Tài chính quốc tế

Oxfam bình luận gì về việc EU sửa đổi danh sách đen 'thiên đường thuế'?

Tổ chức phi chính phủ (NGO) Oxfam gọi đây là "một trò đùa", trong bối cảnh đang có những chấn động liên quan đến vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora.

Oxfam bình luận gì về việc EU sửa đổi danh sách đen 'thiên đường thuế'?

Oxfam bình luận gì về việc EU sửa đổi danh sách đen 'thiên đường thuế'?

Ngày 5/10, Liên minh châu Âu (EU) đã sửa đổi danh sách đen thiên đường thuế của mình, theo đó xóa tên vùng lãnh thổ hải ngoại Anguilla của Anh, quần đảo Seychelles và CH Dominica. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ (NGO) Oxfam gọi đây là "một trò đùa", trong bối cảnh đang có những chấn động liên quan đến vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora.

Danh sách trên, được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU ở Luxembourg, hiện tại gồm 9 thể chế tài phán được cho là không hợp tác về thuế, đặc biệt là những nơi phải chia sẻ thông tin thuế theo một thỏa thuận của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD).

Danh sách này có tên 3 vùng lãnh thổ của Mỹ - là Samoa, Guam và Virgin - cũng như các quốc đảo Fiji, Palau, Panama, Samoa, Trinidad & Tobago và Vanuatu.

Anguilla, Dominica và quần đảo Seychelles đã được giảm cấp xuống một danh sách xám trong phụ lục mà EU đánh giá là đã cam kết với các tiêu chuẩn thuế quốc tế nhưng chưa thực hiện. Các vùng lãnh thổ khác được đưa vào danh sách xám gồm Costa Rica, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Bắc Macedonia, Qatar và Uruguay. Tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho biết Australia, Eswatini và Maldives đã được xóa tên khỏi danh sách xám.

Tuy nhiên, bình luận về động thái trên, chuyên gia về thuế EU của Oxfam, bà Chiara Putaturo cho biết: "EU đang nhắm mắt làm ngơ trước các thiên đường thuế thực sự, trong khi cân nhắc đưa các nước nghèo vào danh sách đen, những nước vốn không ký vào một thỏa thuận thuế toàn cầu nào".

Bà khẳng định: "Việc EU xóa khỏi danh sách đen những quốc gia và vùng lãnh thổ như Anguilla - nơi duy nhất đang áp dụng mức thuế 0%, và Seychelles - nơi được coi là trung tâm trong vụ bê bối thuế gần đây nhất cho thấy danh sách đen này của EU chỉ là một trò đùa".

Bà nhấn mạnh trong khi điều tra của Hồ sơ Pandora đã tiết lộ cách những người siêu giàu tiếp tục sử dụng thiên đường thuế để tránh phải trả thuế như thế nào, thì những người bình thường lại bị yêu cầu thanh toán hóa đơn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

"Hồ sơ Pandora", được Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 3/10, bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài. Với 2,94 terabyte dữ liệu, "Hồ sơ Pandora" điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng, thành viên hoàng tộc và lãnh đạo tôn giáo.

Hồ sơ cũng vạch mặt nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài. Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác. Đây được đánh giá là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017)./.

Tin mới lên