M&A

PAN Group sẽ dồn lực cho các thương vụ M&A

Không chỉ thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) ở cấp tập đoàn, thời gian tới hoạt động này diễn ra ngay cả tại các công ty thành viên của PAN trong chiến lược trở thành một tập đoàn lớn về nông nghiệp và thực phẩm.

PAN Group sẽ dồn lực cho các thương vụ M&A

PAN Group sẽ dồn lực cho các thương vụ M&A.

Chiến lược M&A tại tập đoàn này thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư tại đại hội đồng cổ đông 2019 mới đây.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn PAN (PAN), công ty sẽ chú trọng việc tìm kiếm cơ hội tại các công ty thành viên để đi vào mọi phân khúc trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Hiện PAN đang sở hữu gần 20 công ty con, công ty liên kết là những doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn như BBC, NSC, FMC, ABT… Tuy nhiên, mọi hoạt động của PAN chủ yếu thông qua hai công ty con đại diện cho hai lĩnh vực là PAN Farm và PAN Food với 9 công ty trong mạng lưới.

Từ tháng 11/2018, PAN bắt đầu rót vốn vào công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFG) - một công ty nông dược có tuổi đời hơn 45 năm thông qua hình thức chào mua công khai. PAN đã mua hơn 6,23 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn VFG với giá bình quân 38.500 đồng/cổ phiếu.

Đầu năm 2019, PAN tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại VFG, tuy nhiên kế hoạch mua đến 51% không thành, PAN chỉ mua được 6,91 triệu cổ phần VFG trong 9,8 triệu cổ phiếu đăng ký chào mua, nâng tỷ lệ sở hữu tại VFG lên 41,88%.

Theo ông Hưng, nguyên nhân do yếu tố thị trường hoặc mức giá chưa như kỳ vọng người bán. Việc đưa VFG thành công ty con của PAN phụ thuộc vào nhóm cổ đông Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (đang nắm 1,15 triệu cổ phần, tương đương 3,64% vốn VFG) có bán ra hay không.

Trong năm 2018, PAN cũng đã chào mua thành công và nâng tỷ lệ sở hữu lên 94,66% tại Công ty giống cây trồng miền Nam (NSC), qua đó củng cố quy mô của NSC trên thị trường giống, vốn đang cạnh tranh với đối thủ đáng gờm trong ngành nông nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời.

Hiện nay PAN thông qua NSC đã đầu tư một nhà máy giống hiện đại ở Hà Nam. Việc sản xuất giống hoa, giống rau đang được xem xét. Hiện công ty này chỉ có hai loại giống gạo, ngô, còn thị trường giống rau, hoa, cây ăn quả thì công ty chưa làm được.

Vậy nên khi hợp nhất những công ty hàng đầu có nguồn lực, thị trường, việc phát triển sản phẩm organic tại các công ty thành viên mới là định hướng của tập đoàn.

Tính đến ngày 31/12/2018, PAN có lượng tiền và tương đương tiền dồi dào lên tới 2.543 tỷ đồng. Tập đoàn tiếp tục duy trì tình hình tài chính vững mạnh, đáp ứng tốt khả năng thanh khoản và nhu cầu hoạt động kinh doanh, chuẩn bị tốt nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư, M&A và các dự án trong tương lai.

Trong năm 2018, sau hàng loạt các thương vụ đầu tư, M&A cũng như tăng trưởng tài sản tại các công ty thành viên, tổng tài sản của PAN đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 3.455 tỷ đồng tương đương 158% so với thời điểm đầu năm.

Cơ cấu tài sản được duy trì hợp lý với tổng nợ phải trả 3.465 tỷ đồng, tương đương 37% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn là 1.778 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.686 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 5.972 tỷ đồng, tương đương 63% tổng tài sản.

Năm 2019, PAN đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.512 tỷ đồng, tăng 24%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế hợp nhất 562 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm 2018.

Năm 2018, mảng thực phẩm có xu hướng gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu của PAN, với hơn 73%; trong khi nông nghiệp có xu hướng giảm từ 39% doanh thu năm 2017 xuống còn 27% năm 2018. Tuy nhiên về lợi nhuận, mảng nông nghiệp đóng góp lớn nhất với hơn 54.

Tin mới lên