Tài chính

Petrolimex (PLX): Nhiều tiền vẫn lo

Báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nắm trong tay khoản tiền và tương đương tiền lên tới 16.393 tỷ đồng. Bởi vậy, đề xuất phát hành thêm vì thiếu vốn hồi năm ngoái của tập đoàn này lại một lần nữa gây tranh cãi.

Petrolimex (PLX): Nhiều tiền vẫn lo

Tiền mặt nhiều Petrolimex vẫn xin tăng vốn

Tiền mặt nhiều vẫn xin tăng vốn

Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản của Petrolimex, trước khi chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018, tập đoàn đã đề xuất phương án tăng vốn điều lệ từ 12.938 tỷ đồng hiện nay lên 16.772 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần trên cơ sở giá thị trường và mức định giá doanh nghiệp.

Theo đó, nếu nhà nước không tham gia đợt tăng vốn, tỷ lệ vốn nhà nước sẽ là 58,5% trên tổng vốn mới.

Tiếp theo, cổ đông nhà nước tiếp tục thoái vốn từ 58,5% xuống 51%, tức chỉ cần bán 7,5% vốn điều lệ mới là đủ để hoàn tất giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống 51%.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Petrolimex nằm trong danh sách giảm vốn nhà nước từ 75,86% xuống còn 51%.

Tương ứng, tỷ lệ vốn nhà nước cần thoái đến hết năm 2020 là 24,86%.

Cũng trong báo cáo đề xuất tăng vốn khi đó, Petrolimex cho biết nhu cầu nguồn vốn của Tập đoàn lên tới 34.100 tỷ đồng, nhằm thực hiện một loạt dự án đầu tư lớn trong giai đoạn 2018 - 2023, như: đầu tư 50% vốn vào nhà máy lọc dầu của JX tại Nhật Bản (11.500 tỷ đồng), đầu tư kho cảng LNG Tân Phước và Vân Phong (11.500 tỷ đồng), xây toà nhà văn phòng Petrolimex (1.100 tỷ đồng)…

Tại Petrolimex, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lại đang bị hạn chế khi tỷ lệ room nước ngoài tối đa chỉ 20%. Việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 49% đã từng được đề xuất nhưng chưa được chấp thuận.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu có tác động quan trọng đến nền kinh tế, vị thế quá lớn của Petrolimex có thể là nguyên nhân khiến cơ quan quản lý e ngại trước khả năng nhà đầu tư nước ngoài có tỷ lệ sở hữu lớn và có quyền phủ quyết, do đó, vấn đề room được siết chặt hơn so với những doanh nghiệp nhỏ hơn.

Sau đợt phát hành năm 2017, JX Nippon Oil & Energy (JXNE- Nhật Bản) đã sở hữu 8% cổ phần tại PLX, cùng với các quỹ, các cổ đông nước ngoài khác, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đến 19/11/2019 là 13,36%.

Như vậy, tỷ lệ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi bán vốn hiện chỉ còn 6,64% và đang ngày càng giảm xuống khi thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng cổ phiếu PLX mặc dù bán ròng trên thị trường chung.

Đối với Petrolimex, phương án kết hợp phát hành và bán vốn nhà nước được nhìn nhận sẽ giúp Tập đoàn sẽ đạt được đồng thời bốn mục đích: thứ nhất, giảm được sở hữu nhà nước theo yêu cầu và đảm bảo được giá thoái vốn đáp ứng được các quy định về giá bán vốn;

Thứ hai, bán được vốn với giá tốt nhờ cơ hội tham gia của nhà đầu nước ngoài; thứ ba, tỷ lệ room nước ngoài vẫn nằm ở mức 20%, doanh nghiệp không cần chờ nới room; thứ tư, doanh nghiệp có thêm dòng tiền mới để đầu tư.

Tuy nhiên, đề xuất này đã gây nhiều tranh cãi. Theo giới quan sát, nếu lợi nhuận từ các dự án đầu tư không theo kịp, sẽ làm pha loãng hiệu quả hoạt động, khiến mức định giá cổ phiếu kém hấp dẫn.

Trong khi đó, việc giữ lượng tiền lớn cũng là gánh nặng khiến hiệu suất sinh lời của tài sản và nguồn vốn ảnh hưởng đáng kể.

Trong các dự án đầu tư của Petrolimex, ngoài đầu tư trong nước, còn có cả kế hoạch đầu tư lớn vào dự án lọc dầu ở nước ngoài trong khi doanh nghiệp hầu như chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Còn nhớ trong giai đoạn 2014 - 2015, Công ty TNHH Petrolimex Singapore (PLS) của Petrolimex đã lỗ lớn cả nghìn tỷ đồng do mua các hợp đồng xăng dầu kỳ hạn và Tập đoàn sau đó đã phải dùng 70,98 triệu USD (tương đương 1.612,7 tỷ đồng) thu được từ đợt chào bán chiến lược cho JXNE để cơ cấu tài chính cho công ty con này.

Thêm một dấu hỏi nữa, đó là nhu cầu tăng vốn có thực sự cần thiết khi mà hiện nay dòng tiền của Tập đoàn đang khá dồi dào.

Tính đến thời 30/9/3019, Petrolimex có tổng số dư tiền và tương đương tiền, tiền gửi các loại lên đến 16.393 tỷ đồng, tăng 1.459 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 28,2% tài sản của Tập đoàn, gấp 1,55 lần dư nợ vay ngắn và dài hạn.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang có 103 triệu cổ phiếu quỹ và dự kiến sẽ bán số cổ phiếu này, tạm tính ở mức giá thị trường 60.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 18/11), số tiền thu về lên đến 6.180 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng các khoản này, Tập đoàn đã có sẵn nguồn vốn trên 22.000 tỷ đồng.

Những năm qua, dòng tiền kinh doanh tốt chính là nguồn tài trợ quan trọng giúp PLX giảm nợ vay, chi trả cổ tức từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng vẫn tăng tích lũy tiền mặt.

Hoạt động kinh doanh chịu nhiều thách thức

Petrolimex hiện là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với hệ thống 2.700 cửa hàng bán lẻ trực thuộc và 2.800 đại lý xăng dầu, chiếm khoảng 50% thị phần cả nước, gấp gần 3 lần doanh nghiệp lớn thứ 2 là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL).

Không chỉ xét về số lượng, các cửa hàng của Petrolimex còn có lợi thế về vị trí tại các thành phố lớn, nơi mà việc mở cửa hàng mới được đánh giá hết sức khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn giữ ở mức cao trong giai đoạn 2019 - 2021 đang đem đến cho ngành xăng dầu triển vọng tăng trưởng sáng theo mức tăng của thu nhập bình quân đầu người làm tăng lượng ô tô lưu hành.

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng tốt cũng thúc đẩy nhu cầu logistics, vận chuyển, di chuyển tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu về xăng dầu ngày càng tăng.

Tuy vậy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nói chung và Petrolimex nói riêng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Về thị trường chung, mức độ cạnh tranh trên thị ngày càng tăng khi có sự tham gia của các nhà phân phối trong và ngoài nước mạnh về tài chính và kinh nghiệm quản trị, nhất là sau khi Nghị định 08/2018/NĐ-CP gỡ bỏ đáng kể những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia phân phối xăng dầu.

Cùng với đó là tình trạng gian lận thương mại, xăng dầu giả, kém chất lượng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát

Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, dù nhà phân phối được được đảm bảo lợi nhuận một mức nhất định trên một đơn vị bán ra.

Tuy nhiên, việc phải tích trữ đảm bảo tồn kho bình quân 30 ngày khiến giá mua vào có độ trễ với chu kỳ điều chỉnh giá xăng - dầu bán lẻ trên thị trường (15 ngày). Do vậy, Công ty chịu nhiều rủi ro trong giai đoạn giá xăng dầu biến động mạnh.

Trong cấu trúc nợ vay của Petrolimex hiện nay, vay ngoại tệ (chủ yếu là bằng đồng USD) chiếm tỷ trọng lớn, Công ty cũng phải nhập khẩu lượng lớn xăng dầu hàng năm, do đó, Petrolimex cũng chịu rủi ro đáng kể từ biến động tỷ giá.

Những yếu tố này đã khiến lợi nhuận của Petrolimex luôn có sự biến động mạnh, việc dự báo là không hề dễ dàng ngay cả với nhiều nhà phân tích chuyên nghiệp.

Tin mới lên