Diễn đàn VNF

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: ‘Việt Nam không phải là điểm đến số 1 cho Nhật, Mỹ’

(VNF) – “Đối với Nhật, Mỹ, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà đó là Thái Lan, Malaysia, Indonesia – nơi họ đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên thôi”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: ‘Việt Nam không phải là điểm đến số 1 cho Nhật, Mỹ’

PGS.TS Nguyễn Đức Thành

Dòng tiền đầu tư có sự phân luồng

Tại buổi công bố “Báo cáo kinh tế thường niên 2019”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành bình luận rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội lớn cho các nước.

“Sự thịnh vượng của Đông Nam Á trong thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước chỉ đến sau xung đột thương mại Mỹ - Nhật. Cuộc xung đột thương mại đó khiến Nhật gần như lụn bại, đồng Yên tăng giá khiến doanh nghiệp sản xuất chạy sang vùng Đông Nam Á và tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này. Tôi dự báo thương chiến Mỹ - Trung hiện nay cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi e rằng Việt Nam sẽ không lạc quan lắm với làn sóng đầu tư”, ông Thành nói.

Ông Thành cho hay: “Tôi có nói chuyện với cựu đại sứ Nhật Bản và ông ấy cho biết 2 vạn doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay tìm hướng đi do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ có vào Việt Nam không? Chúng ta cứ quan sát sẽ thấy”.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,5 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian qua đến mức trở thành một hiện tượng gây chú ý lớn.

Bình luận về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng đây là hệ quả trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Việt Nam đang tiếp nhận vốn và ta nhìn thấy có sự phân luồng đầu tư”, ông Thành nói.

Cụ thể, theo ông Thành, các nước có trình độ phát triển cao như Nhật, Mỹ ưa thích đầu tư dài hạn, bởi vậy những nước này cân nhắc rất kĩ chuyện đổ vốn vào đâu.

“Đối với nhóm nước này, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà là Thái Lan, Malaysia, Indonesia – nơi họ đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên thôi”.

“Nhưng trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam. Lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thấy Việt Nam gần gũi với họ hơn về văn hóa, địa chính trị và địa lý”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, Việt Nam không thể can thiệp được vào tính toán của giới đầu tư ngoại, nhưng Việt Nam có thể lựa chọn để chọn được nhà đầu tư chất lượng cao, có cam kết lâu dài như Nhật, Mỹ, Hàn, chọn được các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

“Nhưng muốn như vậy, ta phải tự hoàn thiện bản thân. Còn ta lại bị mua chuộc, lại dễ dãi trong điều kiện về môi trường, về kinh doanh, về người lao động thì ta chỉ đón được người phù hợp với sự dễ dãi đó. Câu chuyện này nằm ở chính ta”, ông Thành nói thêm.

Đứng giữa thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam chưa hẳn đã hưởng lợi về thương mại

Đánh giá thêm về các tác động của thương chiến Mỹ - Trung, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng trong bối cảnh môi trường kinh doanh quốc tế đang biến động như hiện nay, Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư – cái lợi trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, về thương mại, tác động của thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến thương mại của Việt Nam khó dự báo về hiệu quả.

Theo ông Thành, dưới tác động của thương chiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhanh, vì hàng hóa Trung Quốc bị chặn vào Mỹ. Hàng Việt Nam có lợi thế hơn, người Mỹ cũng sẽ chuyển sang lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn vì lợi thế giá.

Nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ giảm, vì chính quyền Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa của họ.

“Trung Quốc có thể ngăn chặn hàng nhập vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi thấy số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý IV/2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô so với lượng ta tăng lên ở Mỹ. Cho nên có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm tuyệt đối mặc dù xuất khẩu sang Mỹ của ta tăng.

“Trong tương lai, xuất khẩu sang Mỹ mà vượt phần nhập khẩu TQ thì ta lại có lợi thế. Cho nên thương mại của ta có cái pha trộn, chưa rõ ràng, không giống đầu tư”, ông Thành nhìn nhận.

Tin mới lên