Diễn đàn VNF

PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Thu phí chia tay sẽ dẫn tới tình trạng loạn phí’

(VNF) - PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng nếu viện một số lý do như đại biểu Quốc hội đề xuất thu phí chia tay thì bất cứ lĩnh vực nào cũng đề xuất thu phí đặc thù được. “Thế thì loạn phí, không ai quản lý được”.

PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Thu phí chia tay sẽ dẫn tới tình trạng loạn phí’

PGS.TS Phạm Thế Anh

Ngày 12/6, khi thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đề xuất: công dân Việt Nam khi xuất cảnh có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người.

Số tiền này, theo ông Hưng, sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao làm kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần khác được dùng để ngành xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn; các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.

Ngoài ra, số thu được cũng dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.

Đề xuất thu phí chia tay của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đã làm xôn xao dư luận xã hội. Một số tỏ ý tán thành đề xuất thu phí, số đông khác lại phản đối dữ dội.

Để làm rõ hơn vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU).

- Theo ông, đề xuất thu phí chia tay có hợp lý?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Rõ ràng là không hợp lý. Vì phí chia tay (tức phí xuất cảnh) chỉ áp dụng trong trường hợp nhà nước muốn hạn chế việc tự do đi lại, tự do xuất cảnh, tự do giao lưu hội nhập, buôn bán với thế giới của người dân.

Mình đang trong thời kì hội nhập, đang muốn thúc đẩy giao lưu, hợp tác với nước ngoài mà lại đi áp dụng phí đấy là sao?

- Người đề xuất thu phí lập luận số tiền thu được sẽ giúp công tác xuất cảnh của cơ quan chức năng được tốt hơn, thúc đẩy du lịch nước nhà, ông nghĩ sao?

Lập luận thu phí chia tay để hỗ trợ cho nhân viên hải quan, để họ tươi cười, phục vụ tốt hơn cho khách xuất cảnh là rất vớ vẩn. Nhân viên các ngành, các nghề,  các cơ quan nhà nước đều nhận lương từ tiền thuế của nhân dân, đâu phải không có tiền đâu mà bảo phải có phí đấy thì họ mới phục vụ tốt hơn được.

Không có phí đấy, họ vẫn phải phục vụ giống như mọi ngành nghề khác. Bây giờ vin vào cái lý đó để thu phí thì lĩnh vực nào họ cũng đề xuất thu phí đặc thù của họ à? Thế thì loạn mất. Không làm thế được.

Cái lý do dùng phí đấy để hỗ trợ phát triển du lịch trong nước cũng không đúng. Cái đấy càng sai mục đích. Muốn phát triển du lịch, phát triển hạ tầng trong nước để hút khách du lịch thì phải thu phí người đến tham quan chứ sao lại thu của người xuất cảnh?

Một số thành phố du lịch trên thế giới, để ứng phó với tình trạng bị quá tải khách du lịch, họ đã thu phí đối với khách đến thành phố đấy, thông qua đánh vào giá thuê khách sạn. Tức là về kĩ thuật thu, họ không thu trực tiếp mà thu gián tiếp qua giá dịch vụ khác.

Không ai thu qua người xuất cảnh. Người xuất cảnh là người ra đi, họ có hưởng thụ chất lượng du lịch trong nước đâu mà thu qua đấy.

- Vậy nói thu phí này để hỗ trợ công dân ở nước ngoài thì sao?

Tôi thấy cũng không phù hợp. Cái đó là trách nhiệm của nhà nước. Dân đóng thuế rồi thì nhà nước phải thực hiện chứ. Không có phí này, nhà nước vẫn phải bảo hộ công dân của mình. Tiền thuế toàn dân đóng góp rồi, lý đâu lại đóng phí này nữa.

Viện cớ như thế thì bất cứ lĩnh vực nào cũng đề xuất thu phí đặc thù được. Thế thì loạn phí. Không ai quản lý được.

Nhà nước phải có trách nhiệm cân đối các nguồn thu một cách tổng thể và phân bổ nguồn thu một cách hợp lý cho các lĩnh vực khác nhau, chứ không phải mỗi lĩnh vực ông lại bịa thêm một phí để thu.

- Người đề xuất thu phí viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài là Nhật Bản cũng thu phí này. Nhưng viện dẫn như vậy thì lẽ ra phải so sánh điều kiện 2 nước chứ không thể “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Ông đánh giá như thế nào về tư duy đánh phí viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài như vậy?

Nếu đã dẫn kinh nghiệm Nhật Bản thì phải nói rõ họ thu thế để làm gì, không thể chỉ chăm chăm vào mỗi việc thu phí. Nếu đã so sánh thì so sánh hết, trong du lịch, xuất nhập cảnh, công dân Nhật được lợi ích gì.

Nguyên tắc đánh thuế là: lợi ích người dân nhận được phải tương xứng với khoản thuế người dân nộp. Hiện nay, có nhiều thuế phí được viện dẫn kinh nghiệm quốc tế, nước này nước kia đánh nên tôi phải có. Thế nhưng người ta lại lờ đi việc dân được hưởng cái gì.

- Phản ứng của dư luận đối với đề xuất thu phí chia tay là khá gay gắt. Nhưng phản ứng này không hẳn xuất phát vì người dân sợ tốn thêm vài USD khi xuất cảnh mà họ lo ngại tiền phí có được quản lý và sử dụng đúng mục đích, minh bạch hay không. Ông có nghĩ như vậy không?

Tôi cũng có chung suy nghĩ như vậy. Người dân có lo ngại: thứ nhất là khoản phải đóng có hợp lý không, thứ hai là số thu được sử dụng, quản lý thế nào.

Vấn đề thuế, phí luôn có hai mặt. Thu thì phải tính đến quyền lợi của người dân. Thu rồi thì quản lý như thế nào, có minh bạch không. Hầu hết các khoản thu thuế phí ở Việt Nam hiện nay có độ minh bạch rất kém.

Người dân lo ngại vị đại biểu đề xuất thế mà Quốc hội lại nghiêm túc xem xét thì nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu, vì các ngành khác cũng có thể đề xuất như vậy. Trong khi đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng thuế phí thu được lại chưa có.

- Trong vài năm trở lại đây, các đề xuất đánh thuế phí mới, tăng thuế phí hiện hữu có rất nhiều. Đề xuất mới này cũng nằm trong bối cảnh đó. Việc này có gợi cho ông suy nghĩ nào không?

Nhìn tổng thể bức tranh tài khóa của Việt Nam hiện nay có thể thấy nhà nước đang thâm hụt ngân sách cao, nhu cầu chi tiêu lớn, gánh nặng trả nợ rất nặng nề.

Nhà nước đang thiếu ngân sách. Và do thâm hụt ngân sách, nhà nước loay hoay tìm các biện pháp tăng thu, không chỉ trong lĩnh vực này mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Bản chất chính là đang loay hoay tìm cách tăng thu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Bất kể trong thời kỳ kinh tế phát triển tốt hay xấu, tốc độ tăng chi của Việt Nam đều nhanh hơn tốc độ tăng thu.

Những việc làm của nhà nước khá vụn vặt, manh mún, lắt nhắt, lúc đề xuất cái này để thăm dò phản ứng dư luận, phản ứng gay gắt quá thì lại thôi, lại đề xuất cái khác.

Nhà nước chưa có cái nhìn tổng thể về tái cấu trúc hệ thống tài khóa hay hẹp hơn là tái cấu trúc hệ thống thu chi ngân sách. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này thì phải cách toàn diện và phải tập trung xử lý vấn đề chi trước.

Chứ có nghĩ ra nhiều biện pháp thu đi chăng nữa mà chi vẫn lớn thì nó giống như cái thùng không đáy, ông thu bao nhiêu vẫn thâm hụt thôi. Giải quyết vấn đề chi rất rộng, liên quan đến bộ máy nhà nước, quy mô khu vực công…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên