Tài chính

Phác họa bức tranh tài chính Công ty thép và thương mại Hà Nội - 'ông lớn' ngành thép tỉnh Hòa Bình

(VNF) - Là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh Hòa Bình từng nhiều lần xuất hiện trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên tình hình tài chính của Công ty Cổ phần thép và thương mại Hà Nội lại có nhiều bất ổn trong những năm qua.

Phác họa bức tranh tài chính Công ty thép và thương mại Hà Nội - 'ông lớn' ngành thép tỉnh Hòa Bình

Phác họa bức tranh tài chính Công ty thép và thương mại Hà Nội, 'ông lớn' ngành thép tỉnh Hòa Bình.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần thép và thương mại Hà Nội thành lập ngày 28/4/2011, có địa chỉ tại xóm Cố Thổ, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cả hai lãnh đạo chủ chốt của Công ty thép và thương mại Hà Nội đều còn khá trẻ. Trong đó, bà Đào Thị Ánh (sinh năm 1984) làm chủ tịch HĐQT. Còn chức vụ giám đốc trước đó do ông Đào Quang Tiến (sinh năm 1988) đảm nhiệm trong một thời gian khá dài. Đến cuối tháng 1 năm nay, chức vụ này đã được giao lại cho ông Đào Hà Lâm (sinh năm 1995) đảm nhiệm.

Được biết, Công ty thép và thương mại Hà Nội hiện đang hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn kim loại và quặng kim loại. Các sản phẩm mà đơn vị này đang kinh doanh gồm các sản phẩm thép mang thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý và Việt Nhật.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, công ty này từng có 4 lần lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2017. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh Hòa Bình được xếp vào danh sách của Vietnam Report JSC cho đến nay.

Tốt về doanh thu, kém về lợi nhuận

Về tình hình kinh doanh, Công ty thép và thương mại Hà Nội có sự tăng trưởng rất tốt về doanh thu trong giai đoạn 2017-2019. Cụ thể, doanh thu năm 2017 đạt 469,9 tỷ đồng, năm 2018 tăng hơn gấp 8 lần lên 3.988 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của công ty này đạt 4.451,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu, lợi nhuận sau thuế Công ty thép và thương mại Hà Nội lại có nhiều bất ổn nếu không muốn nói là khá kém. Cụ thể, năm 2017, cùng với việc kinh doanh dưới giá vốn là chi phí quản lý kinh doanh khá cao (34,6 tỷ đồng), doanh nghiệp này lỗ hơn 47 tỷ đồng.

Nnăm 2018, mặc dù có khoản doanh thu lên gần 4.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp chỉ hơn 49 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản chi phí quản lý lại tăng gấp đôi (75,7 tỷ đồng), kết quả là doanh nghiệp lỗ hơn 17 tỷ đồng.

Tình hình có phần tốt lên ở năm 2019, khoản lợi nhuận gộp của Công ty thép và thương mại Hà Nội đạt được 123,1 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí quản lý tiếp tục phình to (lên mức 114,4 tỷ đồng) cũng đã ăn mòn gần hết khoản lợi nhuận. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn ở mức hơn 297 triệu đồng.

Vốn chủ sở hữu âm liên tục

Với kết quả kinh doanh trên, không khó hiểu khi vốn chủ sở hữu của Công ty thép và thương mại Hà Nội liên tục ở mức âm trong giai đoạn 2017-2019, lần lượt là: -43 tỷ đồng (2017), -35,9 tỷ đồng (2018) và -35,6 tỷ đồng (2019).

Để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng lên khá mạnh, từ 862,9 tỷ đồng (2017) lên mức 1.744 tỷ đồng (2018). Tại thời điểm 31/12/2019, nợ phải trả của Công ty thép và thương mại Hà Nội ghi nhận ở mức 1.618 tỷ đồng.

Về tài sản, theo bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Công ty thép và thương mại Hà Nội năm 2017 ghi nhận ở mức 819,8 tỷ đồng, sau đó tăng gấp đôi lên mức 1.709 tỷ đồng (2018) rồi giảm về mức 1.582 tỷ đồng (2019).

Trong tổng tài sản, các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tỷ trọng rất lớn, duy trì trung bình ở mức 96%.

Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp này khá xấu. Cụ thể năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã âm tới 339,5 tỷ đồng.

Sang năm 2019, mặc dù lưu tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 243,3 tỷ đồng, tuy nhiên việc phải trả nợ gốc vay và nợ thuê tài chính khá lớn, đã khiến cho dòng tiền thuần trong kỳ bị âm 52 tỷ đồng...

Tin mới lên