Diễn đàn VNF

'Phải bơm máu cho nền kinh tế và có thái độ khác với lạm phát'

(VNF) - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thời gian tới, phải “bơm máu” cho nền kinh tế và phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.

'Phải bơm máu cho nền kinh tế và có thái độ khác với lạm phát'

TS Trần Đình Thiên: 'Sắp tới, phải bơm máu cho nền kinh tế và có thái độ khác với lạm phát'

Trò chơi đầu cơ bất động sản: Đừng say mê quá

Phát biểu tại tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết do nền kinh tế Việt Nam hiện là nền kinh tế mở nên khi nền kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi tác động.

TS Trần Đình Thiên chỉ ra 3 “cơn gió nghịch” của nền kinh tế thế giới gồm: Lạm phát đang tăng và còn tăng dài; điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn chưa rõ ràng; suy giảm tăng trưởng.

Ông phân tích, tăng trưởng năm 2023 có xu hướng chung vẫn tiếp tục ảm đạm. Lạm phát vẫn tăng mạnh do giá lương thực và năng lượng tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Nga và khu vực Euro tăng trưởng suy giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu cũng đang có xu hướng giảm, khi chỉ số PMI toàn cầu có sự sụt giảm bắt đầu từ tháng 9/2022 và tác động mạnh đến Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng có lĩnh vực có lợi và lĩnh vực gặp bất lợi.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng những ngành nghề tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động cần phải ưu tiên trong khu vực nội địa như du lịch, bất động sản.

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong thế "nghịch lý". Đây cũng là đặc trưng điển hình trong năm 2022 khi tình hình chung tốt nhưng bộ phận trong nước gặp khó khăn. Lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cao. Tăng trưởng cao nhưng thị trường chứng khoán lao dốc, dòng tiền không được lưu thông, doanh nghiệp không có vốn để hoạt động kéo theo đó là nguy cơ khủng hoảng lòng tin.

Mặc dù vậy, TS Trần Đình Thiên nhìn nhận một trong những thành công lớn nhất trong điều hành chính sách của Việt Nam là chuyển hướng Covid-19, từ trạng thái bất ổn chuyển sang lấy lại lòng tin. Theo ông, đây là bài học cần nhấn mạnh để có thể đưa ra các giải pháp mạnh.

Hiện nay, ông Trần Đình Thiên đánh giá “mạch chung” của nền kinh tế vẫn rất tốt. Chính vì vậy ông cho rằng thời gian tới, phải “bơm máu” cho nền kinh tế và phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.

Sang năm 2023, ông dự báo Việt Nam vẫn thuộc top triển vọng tích cực ở chỉ số tăng trưởng ổn định và có hạng cao hơn trong khu vực ASEAN. Đồng thời, doanh nghiệp nỗ lực cùng Chính phủ để xây dựng cấu trúc thị trường trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Với bệ đỡ này, bất động sản sẽ có diễn biến theo chiều hướng tích cực và sang năm 2023, có nhiều phân khúc sẽ sáng lên. Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản cần phải điều chỉnh, đó là trò chơi đầu cơ đừng say mê quá.

“Đầu cơ không xấu nhưng nếu quá đà sẽ tác động tiêu cực đến thị trường địa ốc. Một nền kinh tế cần phải chuyển đổi từ đầu cơ sang đầu tư. Ngoài ra, thị trường cũng phải tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà. Khi đó, bất động sản mới có tương lai, có độ vững chắc dài hạn tốt hơn”, ông Trần Đình Thiên nói.

Thị trường không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, cho biết mặc dù thị trường bất động sản nội tại vẫn rất ổn định bởi tốc độ phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng lớn mạnh, nhưng lại đang có dấu hiệu chững lại, lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh, đó là một nghịch lý cần phải được xem xét.

Thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản và sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra, như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở...

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn như sau:

Thứ nhất là những vấn đề về pháp lý. Theo Bộ Xây dựng, khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý. Hơn 10 Bộ Luật cần được xem xét liên quan đến các vấn đề về đất đai, đầu tư, nhà ở.

Thứ hai là nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng.

Thứ ba là các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang trục trặc.

Thứ tư, hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp.

Thứ năm, hệ thống thông tin của Việt Nam còn rất yếu để phục vụ cho các hoạt động đầu tư mua sắm trên thị trường, chưa có nhiều kênh thông tin phù hợp.

Thứ sáu là niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường đang bị sụt giảm.

“Nếu chúng ta không tháo gỡ các điểm đã nêu trên sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia”, ông Đính nhấn mạnh.

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vừa qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Tiếp đó, Chính phủ lại có Công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 trước đó, trong đó nhắc đến các doanh nghiệp bất động sản với các vấn đề phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

“Chúng tôi đánh giá động thái của Thủ tướng, của các bộ ngành hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại, sẽ không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển", ông Đính nói.

Tin mới lên