Công nghệ

Phải có tình yêu thì mới lập nghiệp

(VNF) - Trong trái tim tôi, nơi tha thiết nhất là nơi tôi cất giữ hình ảnh ngôi nhà cuối cùng mà chúng tôi có. Và chúng tôi đã từ biệt nó. Một ngôi nhà lợp ngói, tường quét vôi trắng, nền nhà láng xi măng, cánh cửa sơn xanh, những cây cột vuông bạc phếch. Hè nhà rất cao. Chân yếu như mẹ tôi thì không bao giờ có thể nhảy từ đấy xuống sân được.

Phải có tình yêu thì mới lập nghiệp

Tôi có thể trở về bất cứ lúc nào cho dù căn nhà ấy đã bị người ta phá đi rồi. Người ta làm lên trên cái nền cũ ấy một ngôi nhà khác, nguy nga lộng lẫy hơn nhiều. Tôi trở về bằng trái tim này, tâm hồn này. Tôi trở về và ngồi dưới gốc một cây hồng cả buổi chiều, buông cần câu những chú cá ngốc nghếch. Dưới gốc hồng có một bụi mùi tàu. Mùi tàu lá đầy gai. Những cây già mọc cành và ra hoa. Tất cả bọn chúng đều rất thơm.

Tôi về, và đi lên vùng cao. Chúng tôi thường gọi những chuyến đi lên bốn huyện phía Bắc là đi vùng cao. Ở đấy, núi non cất giữ những năm tháng thanh xuân tràn đầy năng lượng của tôi. Chúng tôi đi từ bến xe thị xã lúc 4 giờ sáng và đặt chân xuống huyện lỵ Đồng Văn lúc 7 giờ tối. Tất cả mọi quán ăn đều đóng cửa. Tất cả mọi trụ sở đều khóa kín. Tất cả mọi lối mòn đều chỉ mờ mờ sáng, đủ để không đâm sầm vào một bức tường đen thui nào đó ven đường.

Sông Nho Quế mảnh như sợi chỉ - cách đây hai mươi năm tôi đã viết về con sông ấy như vậy. Tôi đi qua nó bằng một cây cầu có cái tên rất mĩ miều: Tràng Hương. Từ đấy, theo một con đường duy nhất, lên đồn biên phòng Săm Pun, rồi từ Săm Pun sang Lũng Làn.

Sông Nho Quế chính là đáy một cái vực sâu hun hút, và dòng nước bé tí ngoằn ngoèo chảy. Không biết đã bao nhiêu lần viết về sông, về vực, về vách đá, tôi đều nghĩ đến nó. Nghĩ đến nó là nghĩ đến cầu Tràng Hương. Nghĩ đến đồn biên phòng Săm Pun, cơn gió mang tên Thượng Phùng u u ám ảnh…

Ở đâu tôi cũng nhìn thấy Nho Quế. Dòng sông bé xíu dưới vách đá thẳng đứng; thấy những nương ngô đầy bí ngô; thấy một ngọn khói xanh lam ảo mờ quẩn quanh mái ngói âm dương nâu thẫm; thấy một bông hoa mận trắng tinh, với một giọt sương trong như ngọc đậu ở cánh...

Và tôi vẫn hay trở về. Tôi thường đùa với bạn bè, rằng hãy rủ tôi làm tour guide đi. Tôi sẽ dẫn bạn về miền núi của tôi. Tuy rằng, mỗi lần trở về, đi lại những con đường xưa, lướt qua những ngôi nhà xưa, những cánh cổng gỗ, những mái nhà lợp ngói, những cái cây cũ kĩ già nua, và những dòng chảy… lòng tôi lại chùng buồn đi một chút. Chúng tôi đang mòn đi, đang mất đi, rất nhiều thứ. Có nhiều người nói với tôi: Vì đọc những gì tôi viết mà họ tâm tâm niệm niệm, nhất định phải đến Hà Giang một lần, giống như kiểu “before die” – điểm đến trước khi chết, một khái niệm quen thuộc với những người ưa du lịch. Tôi thấy hạnh phúc, và tôi cũng thấy bồn chồn, bất an. Hạnh phúc vì hoá ra con người ta thật dễ đồng cảm với nhau, nhất là về những điều đẹp đẽ. Tôi luôn viết về những điều đẹp đẽ, thiên nhiên, lòng người, sự quyến rũ của hoang sơ… Và tôi thấy bồn chồn, bất an, vì những gì tôi hằng nhớ nhung, hằng nghĩ, và đã viết ra, giờ nó đang hao mòn đi, rồi có lẽ chúng sẽ biến mất, vào một ngày nào đó của thế kỷ này, thiên niên kỷ này. Thế chẳng phải tôi dối lừa bạn đọc thân mến của tôi sao?

Khi tôi về, tôi dừng ở nơi người ta đã làm một bộ phim, và giờ nó thành một điểm đến trên hành trình cao nguyên đá. Bọn trẻ con của tôi những năm nào, giờ vẫn má hồng rực, nứt nẻ vì rét và vì ngồi sưởi lửa, đang gùi những gùi hoa cải vàng óng cho khách du lịch thuê để chụp ảnh. Tôi sợ nhất cái cảnh bọn trẻ sẽ chạy theo khách du lịch để chào mời chèo kéo. May thay, điều đó không xảy ra. May thay, những đứa trẻ của tôi luôn biết nói câu cảm ơn khi chìa tay ra nhận quà của khách du lịch. Tôi được biết rằng các cô giáo tiểu học đã dạy các cháu rất kỹ cách ứng xử với khách du lịch. Chao ôi, thật là cảm ơn các cô. Tôi sợ nhất, cao nguyên đá rồi sẽ có ngày giống như Sa Pa. Kín đặc những người là người, và tầm mắt thì không có cách nào vượt qua được những nóc nhà bê tông cao vút. Và dường như, chạm đến đâu, thậm chí là không chạm, đứng cạnh thôi, cũng phải rút ví ra. Tiền – tiền đã chi phối, thay đổi, biến dạng, tha hoá sự trong sáng hồn nhiên của núi rừng.

Tôi có một người “bạn” trên facebook. Một thanh niên mà tôi chưa gặp ngoài đời bao giờ. Cậu mê rừng núi, mê Hà Giang, và nhờ thế, cậu biết tôi. Học đại học xong, cậu quyết lên Hà Giang, để được sống tại đấy. Muốn sống được thì phải có công việc, kiếm được tiền. Cậu quyết định mở ra một hình thức khám phá mới cho khách du lịch, đó là làm hướng dẫn viên tới tận thôn bản. Thực sự tạo ra những tour trải nghiệm đúng nghĩa. Ăn cơm với gia đình người Mông, thử cày trên nương đá, thử trình tường nhà, thử làm ngói máng, thử rèn lưỡi cày… Cậu kỳ vọng truyền cái niềm yêu mến vùng cao nguyên với tất cả những đặc trưng về lối sống, phong tục, văn hoá của người bản địa tới khách du lịch. Tất nhiên, cậu khuyến cáo, cần phải có sức khoẻ, và phải chấp nhận sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Và cũng kèm theo các khuyến cáo khác về một thứ “kỷ luật” trong suốt hành trình đi vào thôn bản ấy. Dường như cách cậu đang làm đã tạo ra một làn sóng mới, nhỏ thôi, nhưng khá cuốn hút. Cậu còn nói với tôi: Em sẽ phải chọn lựa cả… khách du lịch. Không phải ai em cũng đồng ý cho tham gia được.

Cậu làm tôi nhớ đến câu chuyện về một đất nước mà tất cả mọi du khách trên thế giới đều muốn đến một lần: Bhutan. Bhutan luôn khống chế lượng khách du lịch đến với mình mỗi năm. Nhiều hơn con số đó thì buộc phải lùi lại năm sau. Đất nước Bhutan nhỏ bé vẫn giữ nguyên được mọi giá trị tinh thần và vật chất của mình. Khách du lịch đến Bhutan chỉ được phép quan sát, tuyệt đối không thể can thiệp và làm thay đổi bất cứ điều gì ở đất nước này. Khách đến phải tự thích nghi, không có chuyện Bhutan phải thích nghi, thay đổi, để chiều khách. Tôi nghĩ, đây là bài học đắt giá dành cho tất cả mọi quốc gia, mọi vùng đất muốn làm du lịch. Để có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn giá trị văn hoá bản địa, thì phải biết điều gì thực sự quan trọng.

Tôi tin vào cái cách làm “ngược đời” của cậu thanh niên kia, việc chọn lựa du khách sẽ khiến cậu góp phần gìn giữ, bảo vệ vùng đất cao chót vót địa đầu ấy, không để nó tan hoang chỉ sau ít năm đông nghìn nghịt khách du lịch nữa thôi. Cách làm của cậu, vốn liếng chỉ là sự hiểu biết sau hơn hai năm trời lăn lộn ở mọi xóm làng thôn bản của bốn huyện vùng cao phía Bắc Hà Giang. Vốn liếng ấy, phải tự tích luỹ, không vay mượn xin cho được. Và, hẳn là phải có một thứ tình yêu đặc biệt với một vùng đất nào đó thì mới có thể lập nghiệp theo cái cách mà mình muốn. Tôi tin rằng cậu sẽ thành công bằng cái gạch đầu dòng ấy.

Mùa xuân đến rồi, và hoa mận hoa lê thì đang bung nở, rơi trắng cả những lối mòn đẫm sương…

Tin mới lên