Học thuật

Phân tích ích lợi - chi phí là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Phân tích ích lợi - chi phí (cost-benefit analysis) là gì?

Phân tích ích lợi - chi phí là gì?

Phân tích ích lợi - chi phí (cost-benefit analysis) là mô hình lý thuyết phục vụ cho việc đánh giá các dự án đầu tư trong khu vực nhà nước.

Phân tích ích lợi - chi phí hay phân tích lợi - hại (cost-benefit analysis)mô hình lý thuyết phục vụ cho việc đánh giá các dự án đầu tư trong khu vực nhà nước, mặc dù có thể áp dụng cho bất kỳ dự án nào thuộc khu vực tư nhân. Mô hình này khác phương pháp thẩm định tài chính trực tiếp ở chỗ nó xem xét tất cả các mối lợi (ích lợi) và cái hại (chi phí) cho dù điều này xảy ra với ai (mặc dù trên thực tế người ta thường giới hạn ở cư dân một nước). Các mối lợi được tính đến ở đây là bất kỳ sự gia tăng ích lợi nào được tính bằng chi phí cơ hội của dự án cần phân tích.

Trên thực tế, có nhiều ích lợi (có thể âm hoặc dương) không thể lượng hóa dưới hình thức tiền tệ (ví dụ tổn thất về động vật hoang dã, phá vỡ vẻ đẹp thiên nhiên, môi trường và sự gắn bó cộng đồng), trong khi chi phí được tính bằng số tiền chi cho dự án. Ngoài ra, khi có thể tính bằng tiền, người ta cũng phải chú ý điều chỉnh sự khác biệt giữa giá mờ và giá thị trường nếu điều kiện cho phép. Nếu được áp dụng triệt để, phương pháp phân tích ích lợi - chi phí đánh giá tất cả các đầu vào và sản lượng của dự án theo giá mờ của nó.

Tương tự như vậy, khi đầu vào và sản lượng của dự án không có thị trường có thể xác định được (ví dụ không khí trong lành, sự yên tĩnh), người ta phải tìm cách xác định giá của chúng với giả định thị trường cho chúng tồn tại.

Để làm điều này, người ta phải thiết lập mô hình ''thị trường đại diện'' để ước tính giá mờ. Ví dụ, có sự khác nhau giữa giá một ngôi nhà ở khu vực yên tĩnh và giá mọt ngôi nhà tương tự ở khu vực ồn ào. Sự khác nhau này có thể coi gần đúng bằng giá của sự yên tĩnh, mặc dù trên thực tế có những vấn đề lớn nảy sinh trong việc tiến hành giao dịch.

Phương pháp phân tích ích lợi - chi phí cũng đòi hỏi không được nêu ra giới hạn về thời gian, hiểu theo nghĩa tất cả ích lợi và chi phí phát sinh vào lúc nào. Trên thực tế, người ta có thể không tính đến những chi phí và ích lợi trong tương lai, nếu tỷ lệ chiết khấu tương đối cao. Chẳng hạn 1000 đồng thu được sau 50 năm sẽ có giá trị hiện tại rất nhỏ nếu tỷ lệ chiết khấu được áp dụng là 5% hay 10%. Bởi vậy, các chuyên gia phân tích ích lợi - chi phí thường bỏ qua những chi phí và ích lợi phát sinh vào thời điểm xa trong tương lai.

Một số người khác lại cho rằng tỷ lệ chiết khấu hợp lý duy nhất để phân tích ích lợi - chi phí phải bằng 0, vì tỷ lệ này coi tất cả các thế hệ bình đẳng với nhau, chứ không hạ thấp những mối lợi và thiệt hại mà các thế hệ tương lai được hưởng hoặc phải gánh chịu. Tỷ lệ chiết khấu được sử dụng phải là tỷ lệ chiết khấu xã hội, không cần có mối quan hệ cụ thể nào với lãi suất thị trường. Nguyên tắc chung để chấp thuận một dự án là 

trong đó t là thời gian, T là giới hạn thời gian - tức thời điểm mà dự án hết tác dụng (tức hết tuổi thọ kinh tế) hoặc thời điểm mà nhà phân tích cho rằng tỷ lệ chiết khấu làm cho việc xem xét các ích lợi và chi phí sau đó trở nên không có ý nghĩa. Bt là ích lợi tại thời điểm t; Ct là chi phí tại thời điểm t; tỷ lệ chiết khấu xã hội là r. Công thức trên cho thấy rằng có thể thực hiện dự án được phân tích nếu giá trị chiết khấu của ích lợi lớn hơn chi phí. Nó không đảm bảo chắc chắn rằng dự án được chấp nhận, vì có thể có tình trạng phân phối vốn đầu tư cho các dự án. Trong trường hợp như vậy, người ta phải áp dụng quy tắc nào đó để xác định thứ tự ưu tiên cho các dự án. Điều này thường được thực hiện bằng cách sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ ích lợi/ chi phí. Khi đó, những dự án có tỷ lệ cao nhất được chấp nhận và danh mục các dự án được thực hiện kéo dài cho đến khi ngân sách được sử dụng hết.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên