Diễn đàn VNF

Pháp lý cho condotel: GS Đặng Hùng Võ chỉ trích Bộ Tài nguyên và Môi trường ‘võ đoán, không hiểu cuộc sống’

(VNF) – GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem condotel là sản phẩm kinh doanh và có thời hạn sử dụng đất ngắn hạn là “rất võ đoán và không hiểu cuộc sống”.

Pháp lý cho condotel: GS Đặng Hùng Võ chỉ trích Bộ Tài nguyên và Môi trường ‘võ đoán, không hiểu cuộc sống’

GS Đặng Hùng Võ

Tại diễn đàn “hành lang pháp lý cho thị trường condotel” tổ chức sáng nay (14/12) tại Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ đã có bài phát biểu về khung pháp lý cho condotel. Ông Võ liên tục nhấn mạnh cần phải cho condotel có chế độ sử dụng đất lâu dài như đất ở và coi đó là điều kiện tiên quyết để “cứu vớt” thị trường này.

Ông Võ cho hay cách đây nhiều năm, chính quyền các địa phương đã sáng tạo ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” để cấp cho các dự án condotel. Đây là một thuật ngữ không tồn tại trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Việc sử dụng thuật ngữ này là một cách “lượn qua pháp luật” để phát triển condotel của các địa phương, ông Võ nhận xét.

Mặc dù trái luật nhưng theo ông Võ, việc giao đất sử dụng lâu dài (đất ở không hình thành đơn vị ở) là yếu tố thu hút nhà đầu tư thứ cấp đổ tiền vào condotel.

“Người Việt Nam thích tài sản hơn là hiệu quả đầu tư. Chỉ cần biết đây là tài sản lâu dài là họ quăng tiền, vì nghĩ có kinh doanh thất bát thì đấy vẫn là tài sản. Chính vì thế, khi các Bộ đưa ý kiến condotel là sản phẩm du lịch nên chỉ được sử dụng đất có thời hạn, tôi nghe nhiều nhà đầu tư thứ cấp nói ‘thôi em chuồn, sử dụng đất có thời hạn thì chả đầu tư làm gì’”, ông Võ thuật lại.

Vị giáo sư từng viết Luật Đất đai bình luận: “Tôi biết tình cảnh này chỉ cần 1 năm là sinh chuyện, vì chỉ cần các nhà đầu tư thứ cấp không bỏ tiền nữa thì các chủ đầu tư không có tiền để xây dựng condotel”.

Cũng vì sống dựa vào huy động vốn từ nhà đầu tư thứ cấp nên chỉ cần dòng vốn này trục trặc, dự án condotel sẽ chậm tiến độ, rồi dẫn tới phải điều chỉnh quy hoạch, rồi “vỡ trận” như dự án Cocobay Đà Nẵng. “Tôi cho rằng tất cả cái đó là tất yếu”, ông Võ nói.

Ông Võ nhận định kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển hình thức kinh tế chia sẻ. Condotel cũng hình thành trên nguyên tắc của kinh tế chia sẻ, vì vậy “đừng xem condotel theo tư duy truyền thống”.

“Nếu lập luận condotel để kinh doanh nên chi được sử dụng đất có thời hạn thì tức là ta đang dùng tư duy kinh tế truyền thống để tiếp cận kinh tế chia sẻ và điều đó sẽ làm đổ vỡ thị trường.

“Shophouse có khác gì nhà mặt phố đâu; chung cư hiện nay phần dưới làm cửa hàng, văn phòng, phần trên làm chỗ ở cũng là kinh tế chia sẻ… tại sao ta cứ nằng nặc bắt condotel là loại hình kinh doanh thuần túy?

“Với người Việt Nam, phải là đất lâu dài họ mới đổ tiền vào. Ta nói lý luận gì thì lý luận nhưng cứ phải nhìn cái nào phù hợp với Việt Nam để quyết định”, ông Võ gay gắt.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ trích Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Sự thực mà nói cuộc sống đang diễn ra, ta dùng tư duy cũ để hi vọng cuộc sống tốt hơn thì không bao giờ có chuyện đó cả. Ta phải thay đổi tư duy để có cuộc sống tốt hơn. Tôi cho rằng đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường coi condotel là sản phẩm để kinh doanh nên chỉ có thời hạn sử dụng đất ngắn hạn là rất võ đoán và không hiểu cuộc sống”.

Ông Võ cũng “mỉa mai” Bộ Xây dựng rằng: “Gần đây, Thủ tướng có chỉ thị giao Bộ Xây dựng tạo khung pháp lý cho condotel, tôi nghĩ bụng ta đang thấy mặt sùi do gan nóng mà ta lại dùng thuốc ngoài da bôi vào mặt để mong nó khỏi. Sự thực thì ta phải uống thuốc bổ gan, tiêu độc.

“Điểm mấu chốt ở đây chỉ cần tuyên bố condotel được sử dụng đất lâu dài như đất ở. Chấm hết. Condotel vùng dậy ngay lập tức. Nếu không, tôi có thể cược cục tiền lớn về vụ này”, ông Võ khẳng định chắc chắn.

Ông Võ tái nhận xét sự đổ vỡ của dự án Cocobay Đà Nẵng là do mô hình vận hành không tốt. “Kinh doanh khách sạn 3 năm đầu lỗ, bao giờ người ta cũng lấy tiền của nhà đầu tư thứ cấp sau để trả lãi (cho nhà đầu tư thứ cấp trước), nhưng nếu nhà đầu tư thứ cấp bỏ đi thì không còn tiền mà trả”.

“Trong tình trạng hiện nay, cùng lắm chỉ có Vingroup là gồng mình lên trả lãi để vượt qua giai đoạn này. Doanh nghiệp phải chịu khoản lỗ khá lớn. Ai gây ra lỗ? Sự thực là khoảng trống pháp luật đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản”, ông Võ bình luận.

Tin mới lên