Tài chính

Phát hiện nhiều bất cập trong việc thu phí BOT đường bộ

(VNF) - Theo báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng loạt bất cập của mô hình đầu tư này đã được chỉ ra.

Phát hiện nhiều bất cập trong việc thu phí BOT đường bộ

Thu phí trên các tuyến BOT còn lỏng lẻo, thiếu giám sát làm người dân bất bình. (Hình minh họa)

Trạm thu phí đặt chưa hợp lý

Theo quy định của Thông tư 159, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70km, trường hợp nhỏ hơn 70km, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, trong 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm có khoảng cách 60-70 km, 20 trạm dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án. Các trạm thu phí tập trung chủ yếu trên quốc lộ 1 (34 trạm chiếm khoảng 40%) và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (7 trạm).

Tuy nhiên, theo báo cáo, trên thực tế xảy ra 2 tình trạng như sau.

Thứ nhất, trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án như dự án BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên lại đặt trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài; trạm thu phí tuyến tránh Thanh Hóa đặt tại Bỉm Sơn; trạm thu phí tuyến tránh Hà Tĩnh đặt tại Cầu Rác; bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án như bổ sung nút giao quốc lộ 46 và cầu Yên Xuân vào dự án tuyến tránh thành phố Vinh sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy; và cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án như dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường quốc lộ 5 cũ.

Thứ hai, khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km, các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua; sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ.

Thu phí hở không đảm bảo công bằng tuyệt đối

Về hình thức thu phí, báo cáo cho biết, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT không phải xây dựng tuyến mới, mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều đoạn giao cắt đồng mức.

Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Tuy nhiên, hình thức thu phí hở không bảo đảm công bằng một cách tuyệt đối đối với người sử dụng và gây khó khăn cho người dân địa phương, nơi gần trạm thu phí khi thường xuyên phải di chuyển qua trạm.

Một số dự án xuất hiện tình trạng xe đi vào các tuyến đường của địa phương để tránh trạm thu phí gây mất an toàn giao thông và hư hỏng các tuyến đường của địa phương quản lý.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, kiểm soát việc thu phí, hình thức thu phí không dừng còn chậm, khiến cho người dân còn nghi ngờ về tính minh bạch của hình thức thu phí này.

Về lộ trình tăng phí, báo cáo cho biết, nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình xuống cấp, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng.

Về giám sát, thanh tra, kiểm tra nguồn thu tại trạm thu phí, báo cáo cho biết, do trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí nên công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan được giao quản lý chưa đủ cơ sở để đề ra biện pháp hữu hiệu giám sát công tác thu phí các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Trong thực tế, kể cả trong trường hợp báo cáo đầy đủ thì đó cũng chỉ là con số của nhà đầu tư báo cáo, khó có thể kiểm soát được toàn bộ nếu không có sự tham gia của cơ quan thuế (quản lý việc in vé thu phí), cơ quan công an và người dân (thường không lấy cuống vé khi qua trạm thu phí).

Qua báo cáo của Bộ GTVT tại các trạm thu phí BOT, kết quả doanh thu thu phí trong thời gian giám sát, có dự án tăng hơn so với thời gian tương đương của các tháng trước đó.

Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra phát hiện một số hoạt động tiêu cực có thể làm thất thoát doanh thu thu phí. Chẳng hạn, trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, khi các cổ đông trong Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ kiện nhau vì số thu phí. 

Tổng cục Đường bộ đã giám sát và báo cáo số thu bình quân là 1,97 tỷ đồng/ngày, nhưng theo báo cáo của nhà đầu tư giai đoạn trước đó là 1,2 tỷ đồng/ngày; quốc lộ 18 gian lận vé tại trạm thu phí Đại Yên; quốc lộ 5 phát hiện gian lận vé tại trạm thu phí Km18+100.

Hàng trăm ngàn tỷ đã được "bơm' vào BOT

Báo cáo cho biết, giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).

Tại các địa phương, theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).

Tính đến nay, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước vào lĩnh vực cảng biển đạt khoảng 157.600 tỷ đồng/168 cảng; khoảng 18.997 tỷ đồng vào lĩnh vực cảng thủy nội địa. Lĩnh vực hàng không đã triển khai 2 dự án theo hình thức BOT là sân bay Vân Đồn, Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết, và rất nhiều dự án triển khai theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư.

Tin mới lên