Tài chính quốc tế

Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm biến chủng lai Delta và Omicron

(VNF) - Cho tới nay Mỹ và châu Âu ghi nhận 17 ca nhiễm biến chủng Deltacron lai giữa hai siêu biến chủng là Delta và Omicron. Hiện các nhà khoa học đang theo dõi sát sao biến chủng mới này bởi cả Delta và Omicron đều đã được chứng minh là rất dễ lây lan.

Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm biến chủng lai Delta và Omicron

Cho tới nay Mỹ và châu Âu ghi nhận 17 ca nhiễm biến chủng Deltacron lai giữa hai siêu biến chủng là Delta và Omicron.

Biến chủng lai này được cho là có nguồn gốc từ Pháp, được mô tả là “có protein gai của Omicron gắn trên cơ thể Delta”. Trong 17 ca nhiễm được ghi nhận, có 3 ca tại Pháp, 2 ca tại Mỹ và 12 ca ở châu Âu.

Trong thông báo mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ “theo dõi và thảo luận” sau khi nghiên cứu kỹ về biến chủng này.

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ biến chủng lai này làm giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Dù vậy, nhà nghiên cứu virus Philippe Colson của Pháp cho biết hiện có quá ít trường hợp nhiễm Deltacron được ghi nhận nên hiện còn quá sớm để xác định liệu biến chủng Deltacron có lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 11/3 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận hơn 453 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 6 triệu ca tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 81 triệu ca mắc, gần 1 triệu ca tử vong. Đứng ở vị trí thứ 2 là Ấn Độ với gần 43 triệu ca mắc, hơn 515.000 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil vói hơn 29 triệu ca mắc, hơn 654.000 ca tử vong.

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi.

Trong 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi thành 5 “biến chủng đáng quan ngại” (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục “biến chủng đáng quan tâm”.

Các biến chủng mới xuất hiện dường như vượt trội hơn các biến chủng trước về khả năng kháng vaccine, và tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục.

Hiện chính phủ nhiều nước trên thế giới đang trên lộ trình coi Covid-19 như bệnh đặc hữu, song giới chuyên gia vẫn cho rằng đại dịch Covid-19 khó có thể được loại bỏ hoàn toàn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo trên toàn cầu vẫn đang có các điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến chủng xuất hiện. Trong bối cảnh các nước thúc đẩy mở cửa nền kinh tế, việc triển khai tiêm vaccine chậm tại các nước nghèo có thể tạo ra “lỗ hổng” để virus SARS-CoV-2 đột biến, có khả năng tạo ra các biến chủng mới, xâm nhập và tấn công các nước, như cách thức lây lan của Omicron.

Xem thêm >> Nửa tháng chìm trong khói lửa, Ukraine thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD

Tin mới lên