Bất động sản

Phát triển kinh tế xanh cần nhiều giải pháp ‘gỡ’ khó

(VNF) - Ngày 22/11, hội thảo “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng để các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và chuyên gia trên cả nước thảo luận về chính sách kinh tế xanh mới, những khó khăn và giải pháp tháo gỡ khi triển khai thực hiện.

Phát triển kinh tế xanh cần nhiều giải pháp ‘gỡ’ khó

Trang trại nông nghiệp sinh thái, một mô hình phát triển kinh tế xanh, đang rất phát triển tại nhiều địa phương

Tăng trưởng bền vững từ kinh tế xanh

Hiện nay, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức để tăng trưởng nhưng thiếu quan tâm đến hiệu quả khai thác đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, trở thành vấn đề cộng đồng quốc tế lo ngại và đang nỗ lực tìm kiếm những pháp nhằm “gỡ” khó cho nền kinh tế.

Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh (Green economic) trở thành xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo duy trì phát triển kinh tế của các quốc gia, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế (nâng cao chất lượng sống, phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng…), môi trường (bảo tồn tài nguyên, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo…) và xã hội (thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội…).

Có tính chất bền vững, kinh tế xanh kích thích những hoạt động tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người; đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường. Cân bằng các yếu tố trên sẽ đáp ứng tính bền vững của nền kinh tế.

Kinh tế xanh cần thiết bởi tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã đạt được một số kết quả khả quan như: các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi đã giúp giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dự nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020…

Gần đây, Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh, cụ thể: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; “Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022…

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, nền kinh tế xanh mở ra cơ hội tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển cho tất cả các thành phần trong xã hội. Phát triển kinh tế xanh sẽ giúp đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn nguy cơ xảy ra các khủng hoảng trong tương lai.

Khó khăn và giải pháp gỡ “khó” cho kinh tế xanh

Hiện nay, nhận thức về kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến trên toàn xã hội, đòi hỏi phải tiếp tục “thúc” những nghiên cứu, giải pháp và lan tỏa kiến thức rộng rãi trong xã hội.

Nguồn lực triển khai chương trình phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững hiện chưa rõ ràng, đa phần tài trợ chủ yếu dựa trên tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều rào cản, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chưa cao…

Bởi vậy, để kinh tế xanh trở thành xu hướng chủ đạo của nền kinh tế, cần có những giải pháp đồng bộ, nhất là giải pháp chính sách, hỗ trợ để tạo động lực cho doanh nghiệp theo mô hình này.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, để kinh tế xanh tăng trưởng tốt trong thời gian tới cần hơn nữa những giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay vẫn đang theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào FDI. Do đó, cần chú trọng theo chiều sâu, quan tâm đúng mức, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để ổn định tăng trưởng. Đơn cử, đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo khi nhiều số liệu đã cho thấy sử dụng nguồn năng lượng như mặt trời, gió… để sản xuất điện mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sử dụng năng lượng thông thường.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; có chế độ ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuyển đổi, xây dựng, vận hành tại các cụm công nghiệp. Những chính sách có thể thực hiện như: miễn giảm tiền thuê đất hoặc gia hạn thêm thời hạn thuê đất, hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích chuyển đổi số theo mô hình tăng trưởng xanh…

Thứ ba, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường; cụ thể hóa những giải pháp nâng cao năng lực người lao động để thích ứng với mô hình kinh tế mới. Hiện những đổi mới sáng tạo trong sản xuất tuy có tăng nhưng rất khiêm tốn do chưa được chú trọng, vẫn chưa hoàn thiện đội ngũ chuyên trách tiếp cận với kinh tế xanh… Ví dụ như khả năng sử dụng phương pháp đo lường và hạch toán xanh.

Thứ tư, địa phương chú trọng nông nghiệp cần xây dựng mô hình phát triển kết hợp các chức năng xanh: xanh hóa kinh tế nông thôn, ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường cho hạ tầng xã hội, thúc chuyển dịch tăng trưởng xanh bằng tín dụng vi mô…; địa phương phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng cần tập trung chế biến sâu, áp dụng công nghệ mới để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao…

Tin mới lên