Tài chính quốc tế

Philippines: Gần 300 tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Trường Sa

(VNF) - Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 12/5 cho biết Trung Quốc đã đưa thêm khoảng 100 tàu tới gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Số tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực này lên tới gần 300 chiếc.

Philippines: Gần 300 tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Trường Sa

Các tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu ngày 27/3 (Ảnh: MAXAR).

Cụ thể, theo cập nhật mới nhất của Lực lượng đặc nhiệm của Philippines phụ trách Biển Đông (NTF), tính tới ngày 9/5, tổng cộng 287 tàu Trung Quốc vẫn nằm rải rác ở các khu vực khác nhau tại quần đảo Trường Sa.

“Chúng tôi đang cân nhắc tiếp tục có thêm hành động phản đối khi số tàu của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã tăng lên gần 300 chiếc so với số lượng hơn 200 chiếc hồi tháng 3”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin phát biểu trên kênh Bloomberg TV ngày hôm nay (12/5).

Cũng theo NTF, ngoài các tàu "dân quân biển", 2 tàu tên lửa lớp Type-022 của Trung Quốc cũng xuất hiện bên trong đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Còn tại khu vực Đá Ba Đầu, nơi các tàu Trung Quốc hiện diện từ tháng 3, Philippines phát hiện 34 tàu Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở đây.

Phát biểu trên kênh Bloomberg TV, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines Locsin khẳng định nước này sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền biển, dù vẫn đang tìm cách hợp tác với Trung Quốc về thăm dò dầu khí và vaccine Covid-19.

Có thể thấy số tàu Trung Quốc tăng đáng kể so với hồi tháng 3 khi Philippines phát hiện khoảng 200 tàu gần đá Ba Đầu, khiến hai nước leo thang căng thẳng 2 tháng qua. Chính quyền Manila đã liên tục gửi công hàm phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc rút tàu.

Mới đây, tại Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN hồi đầu tháng 4, quan chức Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông. Trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh khu vực, đi ngược lại cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo không khí bất lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước tình hình này, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Xem thêm >> Dịch Covid-19: Ấn Độ yêu cầu chấm dứt việc thả xác người chết xuống sông Hằng

Tin mới lên