Tài chính

Phó chủ tịch UBCKNN: Sự trầm lắng của thị trường năm 2019 là bước tạo đà cho năm 2020

(VNF) - Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn nhận định 2019 là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng của thị trường ngày càng hoàn thiện, gần đây nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua, ông Phạm Hồng Sơn dự đoán “năm tới sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường chứng khoán sẽ có sự tăng trưởng tốt”.

Phó chủ tịch UBCKNN: Sự trầm lắng của thị trường năm 2019 là bước tạo đà cho năm 2020

Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn.

Giai đoạn 2017 – 2018 là thời kỳ thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam với dấu ấn VN-Index vượt lên mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên, ở vai trò nhà điều hành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Chứng khoán Phạm Hồng Sơn thẳng thắn thừa nhận năm 2019 thị trường sụt giảm trên nhiều phương diện, đặc biệt là thanh khoản.

Trong những tuần giao dịch cuối cùng của năm 2019, VN-Index 'ngụp lặn' dưới 960 điểm.

Nhìn lại những diễn biến của thị trường năm 2019, phóng viên đặt câu hỏi với ông Phạm Hồng Sơn: “Tại sao tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2019 ổn định, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm 2019 đã đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua mà thị trường chứng khoán lại diễn biến không mấy khả quan?”.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng thị trường có lên có xuống cũng là vận động thông thường. Theo ông Sơn, một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường là diễn biến phức tạp của tình hình thế giới bao gồm tranh chấp thương mại và căng thẳng địa chính trị.

“Năm 2019, thị trường sụt giảm trên nhiều phương diện, đặc biệt là thanh khoản. So với các năm trước, số doanh nghiệp lớn lên sàn không nhiều, các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa cũng ít đi”, ông Sơn nói.

Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn cho biết theo báo cáo từ Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, doanh thu các công ty chứng khoán năm nay cũng giảm trên 20% do khối lượng giao dịch hàng ngày giảm, hàng hóa ra thị trường ít hơn.

“Tuy nhiên, thị trường chúng ta vận động theo hình sin, sự trầm lắng của năm nay có thể là bước tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông Phạm Hồng Sơn dự báo lạc quan về triển vọng thị trường năm 2020.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, với việc Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý của thị trường đã cơ bản hoàn thiện. Bước sang năm 2020, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy nhanh quá trình ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn để đảm bảo thị trường được thông suốt: “Tôi kỳ vọng năm tới sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường chứng khoán sẽ có sự tăng trưởng tốt”, ông Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề nâng hạng thị trường, ông Phạm Hồng Sơn cho biết bảng xếp hạng của các tổ chức đánh giá không phải là một tiêu chuẩn chung mà phản ánh quan điểm của các quỹ đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy đã hình thành và phát triển gần 20 năm nhưng còn rất non trẻ. Vì vậy, nhà điều hành đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho thị trường lên hàng đầu chứ không nâng hạng bằng mọi giá.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết rào cản cho việc nâng hạng bao gồm room ngoại, ký quỹ và T+2. Còn các tiêu chí như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD... về cơ bản Việt Nam đã đạt được.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài – điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của việc nâng hạng, ông Phạm Hồng Sơn cho biết vấn đề này phụ thuộc vào nhiều bộ/ngành chứ không phải một mình Ủy ban Chứng khoán quyết được. “Mỗi bộ, ngành quản lý một lĩnh vực riêng, có danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng”, ông Sơn nói. 

“Còn riêng lĩnh vực chứng khoán do Uỷ ban quản lý thì độ mở tương đối lớn. Các công ty chứng khoán, Quản lý quỹ hiện nay đã mở room ngoại tới 100%. Độ mở đó được thể hiện ngay từ thực tế thị trường, gần như tất cả công ty chứng khoán lớn nhất của Hàn Quốc đều đã hiện diện tại Việt Nam”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh. 

Với các  các vấn đề như ký quỹ, ông Sơn đặt câu hỏi: “Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại vay tiền của chúng ta để đầu tư chứng khoán, điều này liệu có phù hợp trong khi chúng ta mở cửa thị trường vì cần vốn và để hút vốn ngoại?”  

“Hay như thanh toán, giao dịch bù trừ cũng như vậy. Thử tưởng tượng nếu bỏ quy định 100% tiền và chứng khoán tại thời điểm giao dịch (T+0), đến T+2 nhà đầu tư nói không có tiền thì xử lý lệnh giao dịch đã khớp trước đó như thế nào? Chắc chắn là đổ vỡ thị trường”, ông Sơn cho biết quan điểm của nhà điều hành là không điều chỉnh những quy định này.

“Để đảm bảo an toàn nhất cho thị trường, chúng tôi vẫn phải giữ một số nguyên tắc. Sau này khi thị trường phát triển lên một cấp độ cao hơn, các công ty chứng khoán có năng lực quản trị rủi ro tốt hơn, ý thức nhà đầu tư được nâng lên, chúng ta sẽ xem xét nới quy định này”, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán khẳng định.

Tin mới lên