Diễn đàn VNF

Phó Chủ tịch VCCI: 'Mất vài ba năm để chuyển đổi số ngành du lịch, không thể chậm hơn nữa'

(VNF) - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng nhấn định rằng: "Để chuyển đổi số trong ngành du lịch thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa".

Phó Chủ tịch VCCI: 'Mất vài ba năm để chuyển đổi số ngành du lịch, không thể chậm hơn nữa'

Phó Chủ tịch VCCI: 'Chuyển đổi số cho ngành du lịch không thể chậm hơn nữa'

Chuyển đổi số là cấp thiết

Tại diễn đàn "luồng xanh" cho du lịch cất cánh, chuyên đề 2 "Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" diễn ra sáng 18/5, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, cho biết đại dịch Covid-19 khiến cả ngành công nghiệp không khói gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid-19 cũng là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc "lột xác".

Chính vì vậy, để tồn tại và phục hồi sau hơn 2 năm “đóng băng” do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường thông qua hoạt động chuyển đổi số.

"Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính Covid-19 đã đưa ra cuộc chơi mới cho các doanh nghiệp rằng chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa", ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Ông Phòng cũng nhấn mạnh rằng để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa.

“Dịch COVID-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới – chuyển đổi số”, ông nói.

Du khách trải nghiệm ứng dụng VR 360 “Một chạm đến Đà Nẵng” 

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng khẳng định chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch.

“Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn”, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cho biết hiện nay Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch .

Còn theo bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam: “Để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và cả quốc tế, các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận được khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh truyền thống nữa”.

Theo bà Xoan, hậu đại dịch Covid-19, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín.

“Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để bổ sung chuyển đổi số và xúc tiến du lịch, đây là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi mong muốn hơn nữa những chính sách để cùng đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, bà Xoan nói.

Còn nhiều khó khăn

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ông Bùi Văn Mạnh, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều khó khăn và đặt ra yêu cầu cấp thiết cần giải pháp để giải quyết. Cụ thể, chuyển đổi số ngành du lịch cần lưu ý tới các vấn đề con người, nhận thức và hạ tầng.

Chính vì vậy, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã đề xuất một số giải pháp như: cần nâng cao nhân thức tư duy cán bộ Nhà nước, chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương; nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ; cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận và đặc biệt là đào tạo nhân lực – đây là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.

Ông Bùi Văn Mạnh nhận định kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu bắt buộc để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá...

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quyết Tâm, Uỷ ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa, cho rằng trong quá trình chuyển đổi số với doanh nghiệp du lịch, con người là yếu tố quan trọng.

Theo ông Tâm, ngành du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ hiện nay, tuy nhiên những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

Xem thêm: Du lịch golf: Dư địa lớn, thách thức nhiều

Tin mới lên