Thị trường

Phó chủ tịch VITA nói về chính sách visa: ‘Tôi không hiểu nổi vì sao lại có những quy định như vậy’

(VNF) – Trước các quy định chỉ miễn visa mỗi năm một lần và khách du lịch muốn trở lại Việt Nam phải chờ 30 ngày, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), chỉ biết thốt lên "Tôi cũng không hiểu vì sao có những quy định như vậy trong luật".

Phó chủ tịch VITA nói về chính sách visa: ‘Tôi không hiểu nổi vì sao lại có những quy định như vậy’

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch

Chính sách visa đang là điểm nghẽn lớn

Phát biểu tại hội nghị quốc tế "Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng", ông Vũ Thế Bình cho biết ngành du lịch có 2 loại khách: một là khách đi theo tua (tour), hai là khách lẻ. Xu hướng hiện nay là lượng khách lẻ ngày càng tăng cao, chiếm tới 70% tổng lượng khách.

"Với mỗi loại khách thì có các quy định khác nhau thì mới thu hút được họ. Và trong mọi chính sách, vấn đề quan trọng nhất là visa", ông Bình nói.

Theo ông Bình, nếu Việt Nam muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực thì phải học theo cách họ đã làm. Hiện nay, Thái Lan đã miễn visa cho 67 nước, Indonesia đã miễn visa cho 169 nước, Malaysia cũng tương tự, còn Việt Nam chỉ miễn cho 24 nước. Bởi thế Việt Nam tự nhiên rơi vào thế cạnh tranh không cân xứng, các doanh nghiệp rất khó thu hút khách.

Ông Bình cũng cho rằng, việc đẩy mạnh làm visa điện tử đã tạo những thuận lợi hơn cho du khách. Tuy nhiên làm visa điện tử thì vẫn là làm visa chứ không phải miễn visa. Miễn visa là khách cần đi là đi ngay và khách thích đến lúc nào là đến lúc đấy.

"Đặc biệt chúng ta vẫn có những thủ tục lạc hậu như miễn visa mỗi năm một lần. Như vậy, tua người ta đặt trước một năm thì làm sao dám đặt nữa. Chúng ta đánh mất cơ hội vì chính thủ tục của chúng ta. Nếu đã miễn visa rồi thì sao không miễn hẳn 5 năm đi?

"Cái thứ hai là du khách đã vào Việt Nam rồi, sau đó đi ra nước ngoài thì phải 30 ngày sau mới được quay về Việt Nam. Tôi cũng không hiểu nổi vì sao lại có những quy định đấy trong luật.

"Visa là điểm nghẽn của chúng ta. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng nữa về du lịch thì dứt khoát chúng ta phải làm mạnh vì xung quanh người ta đã mở toang rồi. Những cái gì thay được, chúng ta phải thay ngay. Làm kinh tế mà, khách vào khách trả tiền cho chúng ta, có sao đâu. Tại sao lại mất 30 ngày sau mới cho họ quay lại", ông Bình nói.

"Trắng" văn phòng đại diện

Theo ông Bình, vấn đề nhân lực cũng đang là khâu yếu của du lịch Việt Nam. "Nhiều doanh nghiệp không tìm được người, vì thế mà có tình trạng tranh người của nhau. Họ đang làm giám đốc chỗ này lại nhảy sang làm giám đốc chỗ kia. Cứ thế, doanh nghiệp nâng ‘tầm’ của họ lên, nhưng trên thực tế thì vị thế thì không nâng, chất lượng lao động càng ngày càng tụt hậu xuống", ông Bình phân tích.

Phó chủ tịch VITA cũng nhấn mạnh đến điểm nghẽn xúc tiến du lịch, bởi theo ông du lịch là ngành công nghiệp mà sản phẩm của nó không sờ thấy được, vậy nên phải dùng công tác xúc tiến.

"Nhưng mà hiện nay chúng ta thấy quỹ xúc tiến chưa ra được. Tôi thấy nếu cứ bàn cãi mãi thì không bao giờ ra được. Tôi đề nghị Chính phủ cứ quyết, sai thì sau này sửa. Nhất đinh phải có chứ, người ta chi hàng trăm triệu USD, chúng ta chỉ có 1 – 2 triệu USD thì làm sao sánh với người ta được.

"Và cái quỹ xúc tiến du lịch đó dứt khoát phải đi theo hình thức xã hội hóa, công khai hóa và phải giao cho cơ quan chuyên về tài chính quản cho chặt chẽ", ông Bình đề xuất.

Ông Bình cũng đề cập tới tình trạng "trắng" văn phòng đại diện ở nước ngoài. "Thái Lan có 27 văn phòng, Malaysia có 34 văn phòng, Nhật Bản có 24 văn phòng, ngay cả Nga khó khăn như vậy cũng có 8 văn phòng, còn Việt Nam không có cái nào cả".

Cơ quan thanh tra được vài người làm sao quản hàng triệu khách

Gom những thực trạng trên lại, ông Bình kết luận những khó khăn hiện nay đều xuất phát từ nguyên do bộ máy quản lý nhà nước không mạnh, không đủ nhân lực để làm.

"Cơ quan quản lý có chức năng ban hành chính sách và kiểm soát việc thực hiện chính sách, nhưng hiện nay, những thực trạng lộn xộn như hướng dẫn viên Trung Quốc, kinh doanh không phép… chẳng ai kiểm soát được. Nhà nước ư? nhưng Nhà nước không đủ sức. Cơ quan thanh tra có 7 - 8 người thì làm sao quản lý được cả nước? Các tỉnh chỉ có 2 - 3 người làm thanh tra trong khi số khách lên đến hàng triệu…", ông Bình chỉ ra.

Vì thế, ông Bình cho rằng vấn đề quan trọng là nâng cao bộ máy nhà nước, tăng cường chức năng cho các đơn vị và tốt nhất là quản lý theo vùng để tránh chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh.

"Không thể có những sản phẩm trùng lặp, ví dụ đồng bằng nam bộ chẳng hạn, chỗ nào cũng du lịch sông nước thì làm sao khác nhau cái gì được. Cho nên phải có cơ quan quản lý vùng để họ phân định chỗ này làm cái này chỗ kia làm cái khác

"Vừa qua, Quốc hội đã ban hàn Luật Du lịch mới, đã có những cải thiện về chính sách với doanh nghiệp nhưng tôi cho là vẫn chưa đủ. Bởi điều quan trọng là thực hiện các chính sách đấy. Chính phủ, các địa phương, bộ ngành cần tập trung thực hiện chính sách đã có và bổ sung thêm các chính sách mới cho phù hợp thực tiễn", ông nói.

Tin mới lên