Tài chính tiêu dùng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: 'Sẽ cấp phép dịch vụ Mobile Money cho ba đơn vị khi đủ điều kiện'

(VNF) - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Mobile Money là dịch vụ phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: 'Sẽ cấp phép dịch vụ Mobile Money cho ba đơn vị khi đủ điều kiện'

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Trả lời báo chí về việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại buổi họp báo Chính phủ, tổ chức chiều 2/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết có 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động Mobile Money, gồm: Viettel, VNPT và Mobifone.

Ông Đào Minh Tú cho biết sau khi nhận đầy đủ hồ sơ từ các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 Bộ, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.

"Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 này, 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này", ông Đào Minh Tú nói.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sở dĩ 3 Bộ cùng tham gia quản lý hoạt động này là do đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá Mobile Money là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.

Đối với việc triển khai thí điểm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương, nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm.

"Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin.

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money.

Theo đó, quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3) và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.

Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Đáng chú ý, quyết định này yêu cầu mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.

Quyết định của Thủ tướng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Đến nay, cả 3 nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam là Viettel, VinaPhone và Mobifone đều đã nhận được giấy cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp thông tin di động tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.

Tin mới lên