Ngân hàng

Phó Thống đốc lý giải vì sao NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu dù 'tốn kém'

(VNF) - "Khi chúng tôi điều hành chính sách tiền tệ thì không đặt ra vấn đề chi phí mất bao nhiêu mà mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Bà cho rằng nếu không có chi phí này (lãi suất tín phiếu NHNN - PV) thì thị trường không ổn định, tỷ giá, lãi suất biến động thì chi phí của doanh nghiệp, của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Đây là những chi phí không thể tính toán được.

Phó Thống đốc lý giải vì sao NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu dù 'tốn kém'

Phó Thống đốc lý giải vì sao NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu dù 'tốn kém'

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019: "Để ngân hàng Việt vươn xa" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã bày tỏ quan điểm đáng chú ý về hoạt động bơm - hút tiền của NHNN.

Theo ông Thành, khả năng bơm, hút tiền của NHNN hiện rất tốt, với mục tiêu lớn nhất là tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, ông Thành bày tỏ lo ngại khi NHNN hiện dựa nhiều vào việc phát hành tín phiếu trong việc hút tiền về (nhằm cân bằng lại lượng tiền đồng đã bơm ra để mua vào ngoại tệ - PV).

Vị chuyên gia này cho rằng điều này không tốt về dài hạn. Thứ nhất, việc phát hành tín phiếu khiến NHNN phải chịu chi phí (lãi suất tín phiếu).

"Thứ hai, nó hạn chế sự phát triển nhanh, tốt của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường giấy tờ có giá nói chung", ông Võ Trí Thành nói.

Phản hồi về ý kiến của chuyên gia Võ Trí Thành, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay "cách thức hút tiền về là một nghệ thuật, một sự khéo léo".

Dẫn giải thêm, Phó Thống đốc cho biết độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, xuất nhập khẩu/GDP là trên 200%, nhập khẩu cũng khoảng 100% GDP, nghĩa là sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc.

"Cho nên đòi hỏi phải tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối nhà nước để sẵn sàng ổn định thị trường, nhất là đối với thị trường ngoại hối của Việt Nam – không chỉ chịu tác động bởi yếu tố kinh tế mà còn chịu tác động rất lớn từ yếu tố kỳ vọng của thị trường", bà Hồng nhìn nhận.

"Trong số tất cả các công cụ để hút tiền về thì chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, việc tiền gửi kho bạc từ Bộ Tài chính được điều chuyển về NHNN quả thực trước đây chưa có, nhưng những năm vừa qua đã có. Nhưng lượng hút này so với lượng tiền NHNN đưa ra để thu hút ngoại tệ thì vẫn cần phải hút tiếp để đảm bảo duy trì mục tiêu lạm phát", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo lãnh đạo NHNN, nếu hút tiền bằng công cụ dự trữ bắt buộc thì không khả thi trong điều kiện đang cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), vì ảnh hưởng đến thanh khoản.

"Chính vì như vậy, chúng tôi áp dụng phát hành tín phiếu NHNN. Cách này rất linh hoạt. Các TCTD mua được ngoại tệ của dân cư, bán lại cho NHNN thì những tổ chức này họ có thanh khoản. Có những TCTD thanh khoản không dồi dào thì việc phát hành tín phiếu là một công cụ linh hoạt. Như vậy, vừa có thể hút tiền về nhưng lại không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất", Phó Thống đốc chia sẻ.

"Khi chúng tôi điều hành chính sách tiền tệ thì không đặt ra vấn đề chi phí mất bao nhiêu mà mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô", Phó Thống đốc nói. Bà cho rằng nếu như không có chi phí này thì thị trường không ổn định, lập tức tỷ giá biến động hoặc lãi suất biến động thì chi phí của doanh nghiệp hoặc chi phí kinh tế nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Theo bà Hồng, đây là những chi phí không thể tính toán được.

Tin mới lên