Ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN: Chưa giảm thêm lãi suất vì cần cân đối quyền lợi của người gửi tiền

(VNF) - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành, khi đưa ra quyết định điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế. "Thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc NHNN: Chưa giảm thêm lãi suất vì cần cân đối quyền lợi của người gửi tiền

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Ngân hàng đã giảm khoảng 18.830 tỷ đồng tiền lãi cho doanh nghiệp

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, rất nhiều tỉnh thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Cụ thể, ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Số liệu được Phó Thống đốc NHNN đưa ra cho biết nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ngành ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Cũng theo Phó Thống đốc, nhận thấy hiện trạng nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng tăng cường hỗ trợ hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các doanh nghiệp.

"Chính sách mới này nhằm phù hợp với thực trạng nền kinh tế, phù hợp từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp có những mức độ khó khăn khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu khác nhau. Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ này, chúng tôi cũng phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính tức thời cũng như có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực và tính phù hợp trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách", ông nói.

Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định để đạt các mục tiêu, NHNN rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành về việc chấp thuận khi cơ cấu lại các khoản nợ lãi đến hạn, khoản tín dụng doanh nghiệp khó khăn chưa trả được, làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, lợi nhuận các ngân hàng, đến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM).

"Điều đó có nghĩa phải giải quyết được hài hòa yêu cầu hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo không làm ảnh hưởng, suy giảm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD), không để việc xử lý nợ xấu trong tương lai gần trở nên khó khăn", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cũng khẳng định ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này. Theo thống kê sơ bộ, trong thời gian qua, tổng số khoãn lãi đã được ngân hàng giảm bớt cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.

Đối với việc 16 tổ chức tín dụng vừa họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ước tính nguồn tín dụng từ số lợi nhuận cắt giảm sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở TP. HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ông Tú cho hay bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP. HCM, Bình Dương…

Đáng chú ý, lần này, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Theo lãnh đạo NHNN, các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.

'Giảm lãi suất chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay'

Sau khi xuất hiện một số thông tin đồn đoán về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái mang tính nới lỏng trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho hay NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Ông Tú khẳng định khi đưa ra quyết định thay đổi điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế.

"Để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của Quốc gia trong ngắn và trung hạn", Phó Thống đốc NHNN nêu.

Ông cũng chỉ ra trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các NHTM vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.

"Thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phân tích diễn biến thị trường, ông cho biết thêm vốn khả dụng, thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.

"NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của NHNN điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, NHNN vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện.

Tuy nhiên, với chức năng của mình, NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tại các thời điểm khác nhau của nền kinh tế để góp phần đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô", ông nói.

Tin mới lên