Tiêu điểm

Phó thủ tướng: ‘Chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng PCR tương đương tiêm vaccine cho 2 người’

(VNF) - “Hiện nay, chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Vì vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia kiên trì phương châm huy động xét nghiệm có cả xã hội hóa nhưng dưới sự điều phối thống nhất của CDC các địa phương, Bộ Y tế tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng: ‘Chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng PCR tương đương tiêm vaccine cho 2 người’

Phó thủ tướng: ‘Chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng PCR tương đương tiêm vaccine cho 2 người’

Tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 ngày 23/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đến giờ phút này có thể nói dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Ngay cả Hải Dương, khi phân tích kỹ dữ liệu đến nay chỉ phát hiện 3 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng không nằm trong các khu vực phong tỏa hay khu cách ly tập trung và cả 3 ca này đều đã truy vết được.

Thời gian tới, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động để tránh lãng phí.

“Hiện nay chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người”, Phó thủ tướng cho hay.

Ông Đam đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm, tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân mới được hoạt động không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn tạo tâm lý đã xét nghiệm rồi lại muốn xét nghiệm tiếp, đặc biệt rất nguy hiểm là tâm lý có kết quả âm tính rồi thì chủ quan, mất cảnh giác.

“Vì vậy Ban Chỉ đạo quốc gia kiên trì phương châm huy động xét nghiệm có cả xã hội hóa nhưng dưới sự điều phối thống nhất của CDC các địa phương, Bộ Y tế tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân ra cả nước.

Tại những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt. “Việc dệt tấm lưới tầm soát phải làm sao hiệu quả, tiết kiệm nhất, đòi hỏi sự tài trí, nhạy cảm của người chỉ huy trên chiến trường”, ông nhấn mạnh.

Không thể tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng

Phó thủ tướng lưu ý kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch thì vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng cũng như các địa phương khác trong cả nước.

“Bởi vì với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng”, ông bày tỏ.

Cũng theo ông Đam, chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất. Khi phát hiện ổ dịch thì phải tranh thủ từng phút, từng giờ, tránh tình trạng khi chống dịch có một số ý kiến ví von thời gian vàng là 7-10 ngày. “Chúng ta phải tranh thủ từng giờ, từng phút vàng ngọc và càng sớm thì càng quý giá “, Phó thủ tướng lưu ý.

Liên quan đến những người đã mãn hạn tù tại những trại giam nằm trong vùng dịch, Phó thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các trại giam, không vì dịch bệnh mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã chấp hành xong án phạt tù hay việc xét ân xá. Đây là vấn đề rất nhân đạo. Trường hợp người mãn hạn tù muốn ở lại cách ly, nếu các trại giam có điều kiện thì cho cách ly và đối xử như người đến thăm.

>>> Xem thêm: Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh nhà nước tại kỳ họp tháng 3

Tin mới lên