Ngân hàng

Phó thủ tướng: 'Khó ngăn tín dụng đổ vào bất động sản'

Dư nợ vay bất động sản tăng gần 15% so với cùng kỳ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Thống đốc phải báo cáo dự án có tín dụng 5.000 tỷ đồng trở lên.

Phó thủ tướng: 'Khó ngăn tín dụng đổ vào bất động sản'

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Báo cáo gửi tới Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng 8/2019, tín dụng chảy vào bất động sản (gồm cả mục đích kinh doanh và sử dụng) chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Với tăng trưởng tín dụng khoảng 7,82 triệu tỷ đồng, ước tính tín dụng đổ vào bất động sản là 1,5 triệu tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội ngày 22/10, ông Hoàng Quốc Thưởng – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương, lo lắng khi số liệu dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản đang tăng, lên tới 1,5 triệu tỷ đồng.

Theo ông, tiền nếu chỉ đổ vào bất động sản mà không vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì khi thị trường này "hắt hơi xổ mũi", nền kinh tế sẽ gặp bất ổn. 

"Báo cáo của Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản đang tốt lên, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các nhà băng siết tín dụng rót vào bất động sản, nhưng nói thực với dữ liệu này, tôi vẫn thấy lo", ông nói.

Ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, thì nghi ngờ "sự dễ dãi trong điều hành tín dụng cho vay bất động sản". "Nếu tín dụng vào bất động sản không được kiểm soát thì nguy cơ nhóm nợ xấu mới xuất hiện, đáng lo ngại", Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình quan ngại.

Tín dụng vào bất động sản vẫn tăng cao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói: "Chúng ta quản lý, kiểm soát chặt chứ không thể ngăn tín dụng rót vào lĩnh vực này". Bởi, thực tế khi khởi công một công trình, dự án bất động sản sẽ kéo theo dịch vụ như vật liệu xây dựng, nội thất... tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo ông, tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ nền kinh tế đã giảm đáng kể so với trước, từ mức trên 30%, cá biệt có năm vọt lên 54%, thì nay rút về khoảng 14% một năm. 

Về số tiền 1,5 triệu tỷ đồng vốn đổ vào bất động sản, tăng gần 15% so với cùng kỳ, ông Huệ giải thích là do thay đổi cách thống kê. Trước đây tín dụng bất động sản chỉ gồm tín dụng vay của doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, thì nay cộng gộp cả tín dụng tiêu dùng cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà ở. Việc gộp dữ liệu này, ông Huệ nói, để tránh thấy "tỷ lệ dư nợ thấp mà chủ quan".

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản chiếm hơn 19% tổng dư nợ, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 33%, và tiêu dùng khoảng 68,3%. 

Tín dụng tiêu dùng chiếm 20,68% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 13,92%, trong đó liên quan tới mua, thuê, thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở... chiếm 59,4% dư nợ cho vay tiêu dùng.

Để siết tiền chảy vào bất động sản, Phó thủ tướng cho hay Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt việc cấp tín dụng với nhóm khách hàng, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Định kỳ 3 tháng một lần, Thống đốc phải báo cáo với Chính phủ về dư nợ của nhóm khách hàng, dự án có tín dụng 5.000 tỷ đồng trở lên.

"Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn", ông Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, các khoản vay góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp cũng được xem xét thận trọng hơn. Các nhà băng cũng được yêu cầu nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá đầy đủ các rủi ro về hồ sơ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, rủi ro cung cầu thị trường.

Tin mới lên