Tiêu điểm

Phó thủ tướng: 'Không để bất cập của dự án BOT trước đây ảnh hưởng tới các dự án hiện tại'

(VNF) - Chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông thời gian qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu những vấn đề của các dự án BOT trước đây gặp phải không thể để ảnh hưởng tới các dự án hiện tại.

Phó thủ tướng: 'Không để bất cập của dự án BOT trước đây ảnh hưởng tới các dự án hiện tại'

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan về tình hình triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đối với 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, hiện 3 dự án đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và đường đầu cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai thi công từ tháng 9/2019, phần cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công ngày 19/8 tới.

Với 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) hiện các ban quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 9/2020.

Với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Mặc dù các dự án đã gấp rút được triển khai nhưng so với mục tiêu trong chiến lược phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam là đến năm 2020 phải đưa vào khai thác 2.000km đường cao tốc, thì kết quả này đang chậm. Hiện mới có khoảng 1.400 km đường cao tốc đang được khai thác. Như vậy, nếu dồn toàn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai thì phải hết năm 2021 mới có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu.

Phó thủ tướng nhấn mạnh lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ GTVT khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể khởi công 3 dự án thành phần đã chuyển đổi sang đầu tư công ngay trong tháng 9/2020.

Về phần huy động vốn, được biết, với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, theo hồ sơ mời thầu, tổng vốn đầu tư 5 dự án khoảng 39.530 tỷ đồng (vốn ngân sách tham gia là 20.136 tỷ đồng, chiếm 51%; vốn nhà đầu tư huy động là 19.394 tỷ đồng, chiếm 49%). Nhu cầu vốn tín dụng trung bình khoảng 3.100 tỷ đồng/dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện “khó có thể xem xét, tài trợ vốn cho các dự án giao thông mới”, bởi hầu hết các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài… tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng.

Trên thực tế, những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua về thu phí tại các trạm BOT dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, gây nợ xấu, tạo áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để thực hiện khâu đột phá chiến lược về  phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam phải đưa vào vận hành khoảng 3.000km đường cao tốc nữa. Giai đoạn 5 năm (2021-2025), phải hoàn thành được từ 1.300-1.500 km đường cao tốc, tương ứng với nhu cầu vốn khoảng 260.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến sẽ được giao 300.000-350.000 tỷ đồng vốn, tuy nhiên chỉ 30% số tiền này được dùng để làm đường bộ cao tốc (khoảng 100.000 tỷ đồng). Như vậy, sẽ thiếu khoảng 160.000 tỷ đồng nữa mới đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu.

“Chúng ta phải huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, trong đó vai trò của ngân hàng là đặc biệt quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các ngân hàng tham gia vào các dự án giao thông?”, Phó thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng muốn ngân hàng tham gia vào dự án giao thông thì chính dự án đó phải có hiệu quả và “không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay”.

Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông thời gian qua.

“Những vấn đề của các dự án BOT trước đây chúng ta gặp phải không thể để ảnh hướng tới các dự án hiện tại. Bởi các dự án mới này đều được xây dựng bài bản, nghiên cứu kỹ càng trên cơ sở khoa học, chúng ta tính toán làm sao có phương án thu phí tối ưu, đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn hiệu quả, đảm bảo để ngân hàng tham gia tích cực”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính sách cụ thể tháo gỡ cho các ngân hàng thương mại để có cơ chế tham gia các dự án giao thông trong thời gian tới.

Tin mới lên