Tiêu điểm

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu 6 nguyên nhân giải ngân chậm vốn ODA

(VNF) - Chiều 9/6, tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã làm rõ các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA. Phó thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ kiên quyết điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu các dự án sử dụng không hiệu quả.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu 6 nguyên nhân giải ngân chậm vốn ODA

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội chiều 9/6

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đến nay, tổng nguồn vốn ODA đã thực hiện là 21 tỷ USD. Riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, việc giải ngân nguồn vốn ODA trong các năm (không phải chỉ riêng năm 2022) luôn luôn thấp, thông thường đầu năm thấp, cuối năm có tăng lên, nhưng về cơ bản, nếu so với tình hình giải ngân chung thì thấp.

Phó thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khách quan là tình hình dịch Covid-19 trong hai năm 2021-2022, nhất là đầu năm 2022 gây ảnh hưởng nhất định đến việc chuyên gia hoặc các nhà tài trợ nước ngoài vào đất nước.

Cùng với đó, thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ có sự khác biệt. Hiện nhà tài trợ ODA gồm 6 ngân hàng phát triển nhưng mỗi ngân hàng có quy định hoặc nhà tài trợ ở các nước cũng có những quy định riêng.

“Hiện chúng ta đang cố gắng làm sao hài hòa hóa thủ tục này. Có nhà tài trợ yêu cầu là khi giải ngân nguồn vốn nào đó phải có thư không phản đối của nhà tài trợ. Riêng thư này đã mất thời gian nhất định”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Một số nguyên nhân khác, theo Phó thủ tướng, đó là vấn đề giải phóng mặt bằng nói chung của các nguồn vốn đầu tư công còn chậm.

Về nguyên nhân chủ quan, Phó thủ tướng thừa nhận là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải ngân nguồn vốn này; năng lực hạn chế trong giải ngân nguồn vốn; việc bố trí nguồn vốn đối ứng còn khó khăn.

“Một trong lý do tất nhiên không phải lớn khi giải ngân nguồn vốn ODA là thông thường các Ban quản lý dự án thì chỉ chờ đến cuối năm mới giải ngân nguồn vốn này, mặc dù đã hoàn thành một số trong các dự án nhưng chờ đến cuối để quyết toán một lần với kho bạc. Trong thời gian tới sẽ cương quyết vấn đề xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 56, Nghị định 114 cũng mới ra vào cuối năm 2021 nhưng thấy rằng vẫn tiếp tục phải sửa đổi.

Tin mới lên