Bất động sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Xây dựng đường cao tốc quá chậm'

(VNF) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Đến nay, chúng ta mới có 654km cao tốc, và khoảng 400km cao tốc đang xây dựng. Điều này là quá chậm khi mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam phải có 2.000km đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ lớn đối với Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Xây dựng đường cao tốc quá chậm'

Sáng ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình đã chính thức bấm nút khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km. Có điểm đầu tại Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).

Điểm cuối tại Km235+00, giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây).

Ban Quản lý dự án 7 được Bộ GTVT giao thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện và quản lý dự án.

Theo phân kỳ đầu tư dự án, giai đoạn trước mắt có quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16m, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Giai đoạn 2 sẽ hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 (BQLDA 7), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho biết: Hiện, liên danh trúng thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là Tổng Công ty Thăng Long - Công ty Đạt Phương - Công ty Tự Lập. Đây là những đơn vị đủ năng lực kỹ thuật, tài chính thi công cao tốc.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện dự án đạt 98,5km/100,8km, còn vướng 3,3km, trong đó có 83 hộ/1.978 hộ chưa nhận tiền đền bù giải tỏa. Theo đó, đã giải ngân đền bù giải tỏa được 951,6 tỉ đồng/1.323 tỉ đồng và hoàn thành xây dựng 4/4 khu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa.

"Bình Thuận là 1 trong 13 tỉnh giải phóng mặt bằng nhanh nhất, đạt 99%. Đồng thời, đã và đang triển khai đúng tiến độ đề ra", ông Hai cho biết.

Đại diện liên doanh nhà thầu, Phạm Kim Châu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đạt Phương cho biết: Công ty cổ phần Thăng Long – Công ty cổ phần Đạt Phương – Cty TNHH xây dựng Tự Lập là những doanh nghiệp có bề dầy nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, đã từng thi công nhiều công trình có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp như: Cầu Thủ thiêm 1, Thủ thiêm 2, Cầu Phước Trạch (Đông Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang), cầu Cửa Đại (Quảng nam)……

"Các nhà thầu cam kết, ngoài yếu tố chất lượng, sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, đồng thời, hạn chế tăng giá thành do yếu tố trượt giá", ông Kim Châu chia sẻ.

Ảnh Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Tại lễ phát lệnh khởi công, ông Trịnh Đình Dũng cho biết: "Trùng thời điểm này, bên cạnh cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện cũng phát động khởi công 2 dự án cao tốc khác là Mai Sơn - QL 45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là 3 dự án đầu tư công quan trọng, với mục tiêu tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là ưu tiên phát triển đường cao tốc".

"Tôi biểu dương Bộ GTVT, mặc dù có chậm, nhưng chúng ta đã làm hết sức để có thể khởi công các dự án ngày hôm nay. Tôi kỳ vọng, các dự án sẽ về đích đúng tiến độ, tạo động lực phát triển lan toả cho các tỉnh, khu vực nơi tuyến đường đi qua". Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT sớm khởi công 5 dự án cao tốc Bắc - Nam theo mô hình PPP còn lại. 

 

Tin mới lên