Tiêu điểm

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Kiên quyết cho phá sản các dự án không thể tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty đánh giá, phân loại từng dự án theo 3 nhóm.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Kiên quyết cho phá sản các dự án không thể tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ngày 5/6, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo  xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo tại Thông báo số 48/TB-VPCP, nhất là các nhiệm vụ được giao đã quá thời hạn, xử lý vướng mắc trong tranh chấp hợp đồng EPC, phương án xử lý đối với 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình.

Đây là 3 trong số 4 dự án yếu kém của Tập đoàn và đến thời điểm này vẫn đang tiếp tục thua lỗ.

Tại cuộc họp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Ban Chỉ đạo về 2 nội dung: Phân nhóm đối với 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương và phương án xử lý đối với 2 dự án thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO-2). 
Sau khi nghe các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty phát biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty đánh giá, phân loại từng dự án theo 3 nhóm.

Nhóm 1 bao gồm các dự án phục hồi có lãi; nhóm 2 là các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi chuyển lên nhóm 1; nhóm 3 là các dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi thì kiên quyết cho phá sản, giải thể, hoặc có phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu đầy đủ ý kiến các cơ quan để hoàn thiện kết quả phân loại 12 dự án.

Trên cơ sở đó, gửi kết quả phân loại cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 48/TB-VPCP, xem xét có biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng để tái cơ cấu các dự án có tính khả thi theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền.

Ủy ban tiếp tục chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đối với từng dự án theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 48/TB-VPCP, hoàn thiện Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nguyên tắc xử lý 12 dự án yếu kém.

Trường hợp có thay đổi so với Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” theo phương án xử lý từng dự án, có thể theo phương án đã xác định tại quyết định này, hoặc trường hợp điều chỉnh thì cần phù hợp với quy định của pháp luật, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Văn bản số 43-TB/VPTW với việc xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp, giảm tối đa thiệt hại.

Trong quá trình đó, cần lưu ý đến khâu đánh giá thẩm định tài sản.

Tin mới lên