Diễn đàn VNF

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Bứt phá để về đích'

(VNF) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ kiên quyết không tăng trưởng nóng, tăng trưởng bằng mọi giá. Nhân dịp năm mới, ông đã dành cho báo giới một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Bứt phá để về đích'

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Nói về năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ông vui vì các thành tựu tốt đẹp của năm 2018, tạm hài lòng vì bản thân đã cố gắng, nỗ lực hết sức, nhưng nói thỏa mãn thì chưa. “Thành tích của Chính phủ có phần của mình trong đó, và những tồn tại yếu kém, nhất là những lĩnh vực mình được phân công phụ trách, đương nhiên thuộc trách nhiệm của mình và phải nhận thức được sâu sắc để phấn đấu trong thời gian tới”, ông nói.

- Thưa Phó Thủ tướng, năm 2018 được đánh giá là một năm khá thành công của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Ông có thể nêu những minh chứng cho thấy bức tranh thành công về kinh tế - xã hội năm qua?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2018 chúng ta đã thắng lợi toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục trong vòng 5-10 năm trở lại đây.

Đặc biệt là tăng trưởng GDP đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm qua. Do tăng trưởng khá nên quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, năm 2016 là 4,6 triệu tỷ đồng thì nay là 5,5 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 2.600 USD/người, tăng gần 200 USD so với 2017.

Chỉ số CPI cũng được kiểm soát trong 3 năm liên tiếp dưới 4%. Cả năm nay, bình quân CPI là 3,54%. Điều thú vị là sau rất nhiều năm chúng ta mới có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đúng gấp 2 lần tỷ lệ lạm phát. Vì thế tăng trưởng càng có ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế như điện, năng lượng, lương thực, thu chi ngân sách, cán cân thanh toán, cán cân thương mại… đều được đảm bảo.

Đến giờ phút này, ngân sách chúng ta vượt thu hơn 100 nghìn tỷ ở cả Trung ương và địa phương. Thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều tăng. Năm nay, chúng ta đã có “của ăn của để”, có thêm dư địa đểbtăng chi cho đầu tư phát triển, tích luỹ để cải cách tiền lương, thêm nguồn lực cho an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, tỷ trọng chi thường xuyên của chúng ta lần đầu tiên xuống dưới 62%, (lâu nay là trên 70%), tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển được tăng lên 27%. Do cân đối tốt về thu chi nên bội chi ngân sách 2018 thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, nợ công lần đầu tiên kéo xuống dưới 61%.

- Theo Phó Thủ tướng, những nguyên nhân nào đóng góp vào sự thành công chung ấy, trên tất cả các lĩnh vực?

Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trước hết do chúng ta đã kế thừa được những thành quả quan trọng của 2 năm 2016-2017, xa hơn nữa là thành tựu của 30 năm đổi mới trên cơ sở kiên trì và quyết liệt thực hiện các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của T.Ư và của Quốc hội. Kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sau cạnh tranh, ta vừa tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn được nâng lên. Cụ thể, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng 40,23% trong khi giai đoạn trước chỉ là 33,58% và cao hơn mục tiêu của giai đoạn này (30- 35%), do đó giải ngân vốn đầu tư công chậm nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh. Năm 2016 để tăng 1% GDP thì ta cần khoảng 2,94% tăng trưởng tín dụng nhưng năm 2018 tính toán ra ta chỉ còn 2,1% tăng tín dụng.

Trong năm 2018, Chính phủ cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề do Thủ tướng và các Phó Thủ tướng chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực để vthúc đẩy phát triển KT-XH.

Cùng với đó là thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận còn có những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Đó là sức ép lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô còn lớn. Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương còn chậm. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…

- Mục tiêu tăng trưởng luôn là vấn đề quan trọng được đặt ra và được bàn thảo rất nhiều trong các cuộc họp của Chính phủ. Có ý kiến lo ngại nếu Chính phủ sốt ruột sẽ rất có thể muốn tăng trưởng nóng, thưa Phó Thủ tướng?

Tôi cũng nghe có dư luận nói nền kinh tế tăng trưởng nóng vì Chính phủ sốt ruột, Chính phủ muốn có thành tích. Đúng là có sốt ruột, có muốn thành tích, nhưng tăng trưởng nóng, tăng trưởng bằng mọi giá thì không phải. Chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ và con số tăng trưởng chỉ mới ở mức tạm hài lòng, thế sao gọi là nóng?

Chúng ta có thể không sốt ruột không, khi mà như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nói, một đất nước có thu nhập bình quân đầu người còn thấp như chúng ta thì có gì quá phấn khởi, mà còn là nỗi buồn của người làm lãnh đạo. Phải sốt ruột để phát triển kinh tế tốt hơn nữa, cải thiện hơn nữa thu nhập cho người dân.

Muốn có thành tích thì có gì là không tốt? Nếu như đội tuyển bóng đá của chúng ta năm 2018 không đạt được thành tích đoạt ngôi Á quân giải U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc, không lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAN Games và không đoạt ngôi vô địch tại AFF Cup sau một thập kỷ chờ đợi, thì có thể làm náo nức hàng triệu trái tim người Việt Nam đến như thế không?

Còn về tăng trưởng nóng, thì là không phải. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ba năm qua tăng khá nhanh. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% so với năm 2017, mức tăng cao nhất 11 năm qua. Nhưng quy mô của nền kinh tế hiện nay mới có khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 240 tỷ USD, con số vẫn còn rất khiêm tốn.

Điều quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ, năng suất lao động tăng gần 6%, đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp lên đến 40,23% và lần đầu tiên, tăng trưởng gấp đôi mức tăng của lạm phát, là thực tế không thể chối cãi được.

- Thưa Phó Thủ tướng, phương châm “bứt phá” được Chính phủ đặt ra trong năm 209. Vậy chúng ta nên tập trung bứt phá ở lĩnh vực gì và bứt phá như thế nào?

Nghị quyết xác định phương châm hành động 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hàng động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Nhiều người hỏi vì năm 2019 phải “bứt phá” và “bứt phá” như thế nào? Theo tôi, nếu năm 2018 là năm “bản lề” thì năm 2019 phải “bứt phá” để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của cả giai đoạn 2016- 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương là năm 2019 phải khá hơn năm 2018 về mọi phương diện.

Đường hướng đã rất rõ ràng, mục tiêu đã rất cụ thể. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nỗ lực vượt bậc, ý chí quyết tâm, tinh thần “bứt phá”, nhất là trong tổ chức thực hiện ở mọi ngành mọi cấp, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải tạo động lực và áp lực trách nhiệm lên từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách năm 2019.

Tin mới lên