Tài chính

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Có thể kiểm soát CPI năm 2019 quanh mức 3,5%

Sáng 27/9, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Có thể kiểm soát CPI năm 2019 quanh mức 3,5%

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo và đưa ra nhận định, nếu không có gì đột xuất thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát CPI năm 2019 xoay quanh mức 3,5%.

* Giá cả biến động

Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao vào tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 6 và tăng dần trở lại từ tháng 7 đến tháng 9.

Trong quý III/2019, CPI so với tháng trước đều tăng: Tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4% - 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý này vẫn thấp hơn dự báo, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát giá cả theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,52%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Trưởng nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong quý III/2019 là do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm. Đó là giá một số nhóm hàng tiêu dùng trong dịp nghỉ hè, dịp nghỉ lễ 2/9 và Trung thu. Thời tiết vào mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt làm tăng giá điện, nước lũy tiến.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung cấp thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tăng. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo mức tăng thêm của lương cơ bản, giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.

Ở chiều ngược lại cũng có các nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đó là giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm. Giá xăng dầu và giá gas trong nước có xu hướng giảm trong quý III/2019.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến trong tháng 10/2019 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với 2 phương án về giá dịch vụ BOT.

Phương án 1 được đưa ra là tăng giá trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 bởi theo hợp đồng đã ký, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có 49 dự án phải tăng phí theo lộ trình (tăng từ 9 - 18%/3 năm). Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này.

Riêng trong năm 2019 chỉ đàm phán tăng phí đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu về các khoản vay. Dự kiến khoảng 10 dự án có doanh thu dưới 80% so với phương án tài chính ban đầu.

Phương án 2 là giữ nguyên mức giá như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng từ năm 2022. Theo phương án này, 49 dự án có lộ trình tăng giá trong giai đoạn từ 2018 đến 2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Tính toán cho thấy, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính không có khả năng thu hồi vốn. Khi đó, nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án này đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính dự án.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tác động giảm nguồn cung nên từ tháng 6/2019, giá thịt lợn bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại và từ cuối tháng 8 đến nay giá thịt lợn đã tăng mạnh.
Hiện nay, lượng lợn thịt tại các hộ, cơ sở chăn nuôi không nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như tâm lý lo ngại chưa tái đàn ở nhiều vùng chăn nuôi. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra phức tạp nên Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt lợn của Mỹ và đang có xu hướng chuyển qua thu mua lợn của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cung thịt lợn trong nước có thể thiếu hụt, diễn biến giá cả khó lường và có thể tăng mạnh vào dịp Tết cuối năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn trong thời gian tới vẫn trong tầm kiểm soát nhờ thịt lợn sẽ được thay thế bằng các sản phẩm gia cầm và thịt gia súc ăn cỏ. Bên cạnh đó, nguồn cung của các cơ sở chăn nuôi lớn chưa bị ảnh hưởng và đàn lợn nái vẫn được bảo vệ tốt...

* Lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, với các kịch bản dự báo cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018. Dự báo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lạm phát cơ bản diễn biến ổn định trong quý IV, kết thúc năm 2019 sẽ trong khoảng từ 1,9% - 2%.

Nguyên nhân hiệu ứng cơ số do lạm phát cơ bản những tháng đầu năm 2018 ở mức thấp, cầu trong nền kinh tế vẫn được cải thiện với việc GDP năm 2018 tăng 7,08% và GDP 9 tháng ở mức cao. Bên cạnh đó, do tác động vòng 2 từ xu hướng tăng giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, điều chỉnh giá điện, giá nhiên liệu thời gian qua.

Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định, với diễn biến CPI quý III/2019 tiếp tục tăng thấp hơn dự báo và để CPI bình quân cả năm trong giới hạn mục tiêu cho phép, trong ba tháng còn lại giả định nếu CPI tháng sau tăng cao hơn tháng trước với cùng một tỷ lệ thì CPI ước sẽ tăng đều 3,1%/tháng. Trường hợp này trong thực tế khó xảy ra bởi điều kiện giá cả những tháng cuối năm không có biến động quá bất thường.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, CPI bình quân 9 tháng đầu năm nay tăng 2,52% là thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lưu ý những yếu tố tác động đến CPI quý IV, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng trong điều kiện cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn như hiện nay; đồng thời có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức từ 1,9 - 2%.

Trong điều kiện dư địa lạm phát đang thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo niềm tin trong nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Đối với mặt hàng thịt lợn, các ngành chức năng lưu ý việc gom hàng đưa sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có kịch bản chi tiết về sản xuất, dịch bệnh, đánh giá theo từng tháng cung cầu của mặt hàng và phối hợp với Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung hợp lý, tránh tăng đột xuất.

Tin mới lên