Công nghệ

Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam: 'Covid-19 là thiên sứ để doanh nghiệp làm mới mình'

(VNF) - Đánh giá về tác động của dịch Covid-19, bà Trần Thị Thuý Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng đây không phải là khó khăn mà là một "thiên sứ" để doanh nghiệp làm mới lại mình, tìm ra những đột phá trong giai đoạn khó khăn.

Chia sẻ tại hội thảo "Đột phá hiệu suất vận hành doanh nghiệp" do FPT vừa tổ chức, bà Trần Thị Thuý Ngọc cho rằng đột phá trong vận hành doanh nghiệp là câu hỏi thường xuyên đặt ra, không chỉ trong Covid-19 hay giai đoạn tăng trưởng hay thoái trào. Bài toán đặt ra là doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào.

Hội thảo "Đột phá hiệu suất vận hành doanh nghiệp" do FPT vừa tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo bà Ngọc, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì Covid-19 chính là phép thử. Đây không phải là khó khăn mà là một "thiên sứ" để doanh nghiệp làm mới lại mình, tìm ra những đột phá trong giai đoạn khó khăn. Có những doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng đến 200-300% trong ngay đại dịch, đó là vấn đề nằm ở hiệu suất vận hành.

Vậy làm sao để doanh nghiệp có thể giảm thiểu nguồn lực đầu vào, gia tăng lợi nhuận đầu ra? Trả lời câu hỏi này, đại diện Deloitte khẳng định: "Tất cả nhờ quá trình chuyển đổi số đúng đắn".

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam thiếu kỷ luật trong vận hành là do lề lối hoạt động truyền thống, ít tiếp cận với các mô hình vận hành chuyên nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp này chưa quan tâm và đầu tư cho công nghệ thông tin. Số hoá chưa được xem là món đầu tư có lời so với những thành tố khác.

Với những doanh nghiệp tiên phong số hoá, mọi giấy tờ, thủ tục, các hoạt động ra quyết định đều thực hiện trên nền tảng số. Họ tìm mọi cách để tạo ra sự trơn chu trong vận hành, làm sao rút ngắn thời gian nhất có thể. Cao hơn số hoá bây giờ là chuyển đối số. Chuyển đối số có 2 vấn đề một là chuyển đổi, hai là số. Quá trình này thay đổi toàn diện văn hoá làm việc, văn hoá sáng tạo trong mỗi công ty.

Giá trị của chuyển đổi số dễ nhận thấy ở những yếu tố như nâng cao hiệu suất công việc; tối ưu thời gian và quy trình; giảm thiểu chi phí...

Cũng tại hội nghị này, có người đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến 70-80% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Mạnh, đại diện Deloitte, cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số là do người đứng đầu doanh nghiệp.

"Nhiều người đứng đầu các công ty nghĩ rằng vai trò chuyển đổi số là của giám đốc công nghệ, giám đốc IT... Nhưng thực tế, chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy chuyển đổi số, mà quan trọng nhất là người làm chủ", ông Mạnh nói.

Thứ hai, theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp chưa nhận rõ về các xu thế về công nghệ, phương pháp phù hợp, dẫn đến việc chọn một "chiếc áo" quá to hay quá chật khiến việc chuyển đổi số không đạt hiệu quả.

Thứ ba, ông Mạnh cho rằng con người có tâm lý ngại thay đổi, nhiều nhân viên không nhìn nhận giá trị, cảm thấy không thoải mái khi có các công cụ tự động thay thế, khiến họ muốn nghỉ việc hoặc không thực hiện đúng.

Còn theo đại diện FPT, nhiều doanh nghiệp đang định nghĩa sai điểm trọng yếu của chuyển đổi số. Do đó, doanh nghiệp cần xác định điểm nào là quan trọng nhất, chỉ cần cải tiến đúng điểm đó sẽ tạo ra hiệu quả.

Từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc công nghệ FPT IS cho rằng số hoá hay chuyển đối số hiện nay không còn là bài toán khó với hầu hết doanh nghiệp. Bởi công nghệ đã rẻ, cách thức triển khai cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Giám đốc công nghệ FPT IS cũng chia sẻ những câu chuyện thành công và thất bại trong việc số hoá và tự động hoá quy trình vận hành. Chẳng hạn, trước đây thời gian trung bình để xử lý một vấn đề ở doanh nghiệp là khoảng 40 giờ, nhưng hiện nay, số hoá đã rút ngắn giai đoạn này xuống còn 3 giờ đồng hồ. Nếu đem con số này ứng vào các doanh nghiệp lớn, quy mô vận hành hàng nghìn nhân viên thì độ hiệu quả có thể đong đếm rất rõ ràng.

"Sử dụng robot để xử lý các tác vụ ở những đơn vị như ngân hàng cũng rất nhanh, chỉ khoảng 11 giây. Robot có thể giảm tới 98% số công việc có tính đơn giản con người đang thực hiện", ông Việt dẫn chứng.

Tin mới lên