Tài chính tiêu dùng

Phó Tổng giám đốc Napas: 'Gian nan thanh toán phi tiền mặt'

(VNF) - “Để thay đổi bản chất hành vi thanh toán dùng tiền mặt của người dân, chúng ta cần tối thiểu 1 triệu đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Con số này hiện nay là 150 nghìn. Như thế để chúng ta nhìn thấy nhiệm vụ sắp tới gian nan thế nào”, Phó Tổng giám đốc Napas Nguyễn Quang Minh nói tại Hội thảo về Tương lai ngành Tài chính Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Napas: 'Gian nan thanh toán phi tiền mặt'

Theo Phó Tổng giám đốc Napas, cần tối thiểu 1 triệu đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc

Hội thảo được tổ chức ngày 10/1 bởi The Asian Banker. Tại đây, lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia tài chính đều nhận định thanh toán điện tử sẽ trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam những năm tới.

“Đến hết quý III/2018, thanh toán qua internet tại Việt Nam tăng khoảng 33% về số lượng giao dịch, 18% về giá trị giao dịch. Riêng thanh toán qua điện thoại di động tăng 29% về lượng giao dịch và 129% về giá trị giao dịch. Thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh, tăng trưởng 20-22%/năm trong thời gian tới cũng sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định.

Bên cạnh đó, ông Lực còn chỉ ra một yếu tố vô cùng quan trọng tạo ra làn sóng phát triển của thanh toán điện tử trong thời gian tới, đó là Nghị quyết 02 về Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ vừa ban hành đầu năm 2019.

Nghị quyết 02 nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh toán điện tử đối với việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước quý III/2019 phải báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng.

Nghị quyết cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản. 

Trước quý III/2019, Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử. 

Mặc dù có những thuận lợi từ cơ chế chính sách, xu thế thị trường nhưng còn rất nhiều trở ngại ngáng đường thanh toán điện tử tại Việt Nam.

“Thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi nhưng còn chậm. Công nghệ thanh toán và phương thức thanh toán mới đang được áp dụng nhưng chưa đồng bộ trên toàn thị trường. Đây là trở ngại”, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Napas nói.

Ông Minh cho biết: “Toàn thị trường mới có khoảng 300 nghìn máy POS. Số đơn vị chấp nhận thanh toán phi tiền mặt khoảng 150 nghìn. Với lượng đơn vị chấp nhận thanh toán phi tiền mặt còn thấp thế này thì thực sự rất khó để thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân”.

Phó Tổng giám đốc Napas cho biết thêm: “Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, để thay đổi bản chất hành vi thanh toán dùng tiền mặt của người dân hiện nay, chúng ta cần tối thiểu 1 triệu đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Như thế để chúng ta nhìn thấy nhiệm vụ sắp tới gian nan thế nào”.

Về tính đồng bộ trên thị trường, ông Minh thông tin: “Hiện nay, mỗi đơn vị trung gian thanh toán đều tự phát triển mạng lưới của mình nên chưa có sự đồng bộ trên thị trường”.

“Napas đã xây dựng hệ thống chuyển mạch để đảm bảo liên thông giữa tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán QR Code. Chúng tôi đã hoàn thành thí điểm và trong 2019 sẽ triển khai áp dụng hệ thống chuyển mạch này tới tất cả các thành viên của Napas, không chỉ ngân hàng mà còn các đơn vị trung gian thanh toán”, ông Nguyễn Quang Minh nói.

Đại diện các ngân hàng thương mại có mặt tại hội thảo đều đồng tình với nhận định của Phó Tổng giám đốc Napas, cho rằng thay đổi nhận thức của người dân về thói quen dùng tiền mặt là rất khó và cần sự tham gia của nhiều bên.

Đến nay, trên toàn hệ thống đã có khoảng 30 ngân hàng tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều cho biết đa số giao dịch hiện nay vẫn xoay quanh ngân hàng truyền thống.

“Kỹ thuật số thì quan trọng. Nhưng với MBBank, các hoạt động của ngân hàng truyền thống đang đóng góp tới 95% doanh thu”, ông Lê Xuân Vũ, thành viên HĐQT MBBank nói.

Còn ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Maritime Bank thì cho biết đa số giao dịch tại ngân hàng này vẫn “bên ngoài kỹ thuật số”.

Tin mới lên