Bất động sản

Phú Quốc tái diễn 'xẻ thịt' đất rừng

(VNF) - Đoàn công tác số 3 thuộc đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã chỉ rõ, việc lập phê duyệt phương án sử dụng đất nông lâm trường của tỉnh còn chậm, diện tích cần thu hồi giao cho địa phương, diện tích để lấn chiếm lớn. Tỉnh Kiên Giang nói chung và TP. Phú Quốc nói riêng cần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng phân lô đất rừng, đất nông nghiệp ở Phú Quốc vẫn tái diễn.

Phú Quốc tái diễn 'xẻ thịt' đất rừng

Đất rừng Phú Quốc bị "xẻ thịt"

Dễ dàng chọn lô, chọn nền

Tại các xã như: Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm ở TP. Phú Quốc, người mua đất dễ dàng chọn lựa các nền đất diện tích từ 100m2 đến 200m2 là đất nông nghiệp, đất rừng. Chị Phùng Tiên, nhà đầu tư thứ cấp ở TP. HCM cho biết, chị có 2 nền đất (5mx20m) tại khu vực xã Cửa Dương cần bán gấp, giá 550 triệu đồng một nền. Chị thành thật chia sẻ, đất mua từ dự án của công ty nọ, nhưng khi giao dịch mua bán lại là cá nhân với nhau có giá gốc 450 triệu đồng. Nay chị cần tiền nên chỉ cần lãi 100 triệu đồng/ nền là “ra hàng”.

Tại khu vực Bãi Thơm, người mua đất cũng có thể chọn lựa đất nền nhưng giá rẻ hơn chỉ 250 triệu đồng/nền. Hợp đồng mua bán các khu vực này tương đối giống nhau, không nói loại đất gì, không ghi thửa đất số bao nhiêu, tờ bản đồ số mấy, chỉ ghi số  thứ tụ nền. Người mua và bán ký xong, lăn tay rồi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân chứ không công chứng.

Tại khu vực Suối Tiên trên địa bàn xã Hàm Ninh, dễ dàng gặp các biển quảng cáo với nội dung “Bán đất 295 triệu một nền”. Hầu hết môi giới đều giải trích rõ ràng, đất không có sổ đỏ gì cả, nguồn gốc đất nông nghiệp, đất rừng, chưa lên thổ cư. Nhưng khách mua xong sẽ có anh em “lo” cho làm nhà luôn hoặc tìm người khác bán sang tay kiếm lãi.

PQ

Đảo ngọc Phú Quốc tái diễn tình trạng buông lỏng quản lý đất rừng

Tại Hàm Ninh, xuất hiện nhiều khu đất đã được phát dọn, phân lô gần suối khá đẹp, nhiều con đường mở tự phát chạy vào rừng. Nhiều bảng quảng cáo bán đất được treo dọc 2 bên đường. Tuy nhiên tìm hiểu kỹ thì hầu hết đất đã được sang nhượng cho những người từ tỉnh, thành khác tới. “Có một số nhóm người săn lùng đất nông nghiệp chưa có giấy tờ hoặc đất có nguồn gốc đất rừng và đang quá trình chuyển giao từ kiểm lâm sang cho chính quyền quản lý. Giao dịch xong họ tiến hành thuê đo đạc làm sơ đồ phân lô và bán. Người mua trước bán có lãi thì người mua sau lại nhảy vào, cứ thế ký tay với nhau thôi, nhưng có lãi nên họ vẫn mua”, anh Phú, một cư dân ở huyện Hàm Ninh cho biết.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Phú Quốc cũng thừa nhận, nguồn gốc đất trong những khu vực nói trên là đất rừng thuộc vườn quốc gia, đất nông lâm trường đang làm thủ tục giao về cho địa phương quản lý.

Trách nhiệm tại ai?

Tình trạng “xẻ thịt” đất rừng ở Phú Quốc đã diễn ra nhiều năm nay mà theo đoàn công tác số 3 thuộc đoàn Giám sát của Quốc hội, nguyên nhân do việc lập phê duyệt phương án sử dụng đất rừng, đất nông lâm trường còn rất chậm. Diện tích cần thu hồi giao cho địa phương, diện tích để lấn chiếm cần xử lý còn lớn, việc xử lý vi phạm còn chậm chạp. “Diện tích các công ty nông lâm trường sử dụng rất lớn, cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng nếu bộ máy không đáp ứng được (chủ yếu giao khoán), sử dụng đất không hiệu quả, để lấn chiếm thì đề nghị thu hẹp lại diện tích giao cho nông lâm trường”, một thành viên của đoàn giám sát cho biết.

Theo báo cáo của TP. Phú Quốc, vẫn xảy ra hiện tượng lấn, chiếm đất, xây dựng trái phép, mua bán trái phép đất nông nghiệp, đất khai hoang tại các khu vực đất rừng do Nhà nước quản lý. Tình trạng vi phạm làm đường trên đất nông nghiệp, đất rừng không đúng quy định trong các khu phân lô tại các xã, phường còn diễn ra thường xuyên.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ mới đây cũng chỉ ra rằng, chính quyền địa phương đã không đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất rừng để chuyển đổi sang mục đích khác lập phương án trồng rừng thay thế để phê duyệt và tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Việc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 24/2013/TT-BNHPTNT.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT và Sở TNMT Kiên Giang, diện tích đất rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác đến nay là 6.984,56 ha. Trong đó, diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích thuộc diện phải lập phương án trồng rừng thay thế là 3.321,12ha. Còn lại diện tích hơn 3.000 ha đất rừng đã giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nhưng các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền rừng thay thế là vi phạm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 5, 6 Thông tư số 05/VBHN-BNNPTNT ngày 25/4/2016 của Bộ NNPTNT, trong đó có diện tích đất rừng từ TP. Phú Quốc. Đây là một trong những kẽ hở để một phần diện tích đất rừng trong quá trình chuyển giao mập mờ bị lấn chiếm nhằm phân lô, bán nền hoặc chính các chủ đầu tư dự án làm sai quy định.

Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ, cần phải nêu trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức đã để xảy ra tình trạng trên, xử lý nghiêm minh nhằm lập lại trật tự cho việc quản lý đất nông nghiệp, đất rừng ở Phú Quốc nói riêng và của tỉnh Kiên Giang nói chung, nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực, hiệu quả sử dụng đất đai của tỉnh Kiên Giang.

Tin mới lên