Tài chính

Phú Thọ: 198 doanh nghiệp 'om' hơn 206 tỷ đồng tiền thuế bị 'bêu tên'

(VNF) - Cục Thuế tỉnh Phú Thọ vừa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 198 doanh nghiệp nợ tiền thuế (trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, tiền phạt) còn nợ đến ngày 31/10/2019, với tổng số nợ hơn hơn 206,3 tỷ đồng.

Phú Thọ: 198 doanh nghiệp 'om' hơn 206 tỷ đồng tiền thuế bị 'bêu tên'

Ảnh minh hoạ.

Trong danh sách này, các doanh nghiệp có số tiền nợ lớn nhất là: Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng nợ hơn 38 tỷ đồng; Công ty TNHH phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Lạng - TASCO hơn 22 tỷ đồng, Công ty Cổ phần thương mại du lịch khách sạn Bãi Bằng hơn 17,7 tỷ đồng.

Danh sách cũng "điểm mặt" một số doanh nghiệp nợ thuế lớn khác như: Công ty Cổ phần Sông Hồng Thăng Long hơn 13,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Khai khoáng và Cơ khí hữu nghị Vĩnh Sinh hơn 9,7 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại Sơn Ngọc hơn 8,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Eximco Việt Nam hơn 7,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần  xây lắp Điện nước Phú Thọ hơn 5,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng 26 hơn 5,8 tỷ đồng…

Theo Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, đây là đợt thứ 4 trong năm 2019 Cục Thuế công khai doanh nghiệp nợ tiền thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, với tổng số doanh nghiệp công khai là 711 lượt doanh nghiệp và số tiền là hơn 873,6 tỷ đồng.

Liên quan đến ngành thuế, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu tán thành, mới đây Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước được thông qua với tỷ lệ tán thành 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Nghị quyết, đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước:

Cụ thể, đó là người nộp thuế là người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

Cùng với đó, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Ngoài ra, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán cũng là đối tượng được xử lý nợ.

Tin mới lên