Tài chính quốc tế

Phương Tây nói Nga dùng lương thực như ‘vũ khí’ gây khủng hoảng, Moscow đáp trả ‘tại cấm vận’

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Nga đang sử dụng nguồn cung cấp lương thực như một vũ khí có tác động toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, trong khi phía Điện Kremlin lại cho rằng chính những lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này mới là nguyên nhân thực sự.

Phương Tây nói Nga dùng lương thực như ‘vũ khí’ gây khủng hoảng, Moscow đáp trả ‘tại cấm vận’

Phương Tây và Nga đổ lỗi cho nhau trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thuỵ Sĩ) 2022 gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cáo buộc Nga là nguồn cơn chính gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang trở thành nỗi lo sợ của hàng triệu người trên trái đất hiện nay.

Theo bà Ursula, phía Moscow đang sử dụng nguồn cung lương thực quan trọng mình nắm giữ như một “vũ khí” có tác động toàn cầu, hành động giống với cách nước này chi phối nguồn cung năng lượng trước kia, gây nên cuộc khủng hoảng có tác động lớn trên toàn thế giới.

“Tại những địa điểm thuộc Ukraine do Nga chiếm đóng, quân đội của Điện Kremlin đang tịch thu kho ngũ cốc và máy móc. Các tàu chiến của Nga ở Biển Đen đang chặn các tàu Ukraine chở đầy lúa mì và hạt hướng dương”, bà von der Leyen cho biết.

Chủ tịch EC cũng đề nghị các quốc gia toàn cầu hợp tác để tạo nên "liều thuốc giải độc cho hành vi tống tiền của Nga". Ngoài ra, EU đã cam kết mở "các kênh đoàn kết" với Ukraine, các tuyến đường hậu cần thay thế để giúp nước này xuất khẩu ngũ cốc.

Không chỉ Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula, mà trong thời gian trước đó, nhiều quốc gia phương Tây khác cũng lên tiếng chỉ trích Moscow khiến cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới ngày càng trầm trọng hơn.

Đáp lại những cáo buộc từ phía đối thủ, Điện Kremlin cho rằng chính các nước phương Tây mới là phía phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại đối với Nga.

Chia sẻ với các phóng viên hồi đầu tuần này, Phát ngôn viên Dmitry Peskov đã nhắc tới quan điểm của Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng và những cáo buộc gây mất an ninh lương thực, trong đó cho biết “Tổng thống Putin cho rằng những lệnh trừng phạt và hạn chế được áp đặt đã dẫn tới cuộc khủng hoảng mà chúng ta chứng kiến”.

Ông Dmitry cũng đồng ý với quan điểm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres được đưa ra trước đó rằng có nguy cơ xảy ra nạn đói toàn cầu và yêu cầu Moscow ngừng ngăn chặn việc xuất khẩu lương thực từ các cảng của Ukraine, nhưng đồng thời nêu rõ rằng phân bón và các sản phẩm thực phẩm từ Nga phải được phép tiếp cận thị trường thế giới mà không gặp trở ngại.

Phát ngôn viên Điện Kremlin lưu ý rằng cả Nga và Ukraine luôn là những nhà xuất khẩu ngũ cốc đáng tin cậy và Moscow không có cách nào ngăn cản Kiev xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan bằng đường sắt.

Liên quan đến giao thông hàng hải, người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc lực lượng Ukraine đặt mìn hải quân ở Biển Đen, khiến hoạt động buôn bán và vận chuyển gần như không thể xảy ra và cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để nối lại hàng hải.

Cùng ngày 22/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói rằng những cáo buộc rằng Moscow đang chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tại các cảng Biển Đen, do đó dẫn đến thâm hụt thị trường ngũ cốc, chỉ là "đầu cơ".

Đầu tháng này, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng Nga sẽ không xuất khẩu thực phẩm gây thiệt hại cho chính người dân của mình.

Đề cập đến các lệnh trừng phạt chống Nga, cựu Tổng thống Nga cũng cho rằng phương Tây có thể đổ lỗi cho "chủ nghĩa sáng tạo vũ trụ" của chính họ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập.

Do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì chính, chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, nên giá đã tăng đáng kể kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự và các lệnh trừng phạt tiếp theo áp đặt lên Moscow.

Việc Nga, Ukraine và Belarus nhà những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới cũng làm trầm trọng thêm tình hình trên thị trường lương thực toàn cầu.

Ngày 22/5, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực, trong đó vận động các quốc gia duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng và chuẩn bị cho các tình huống mất an ninh lương thực toàn cầu.

Xem thêm >> 'Khủng hoảng Ukraine có thể khiến 1/5 nhân loại rơi vào cảnh nghèo đói'

Tin mới lên