Ngân hàng

PVcomBank nói gì về vụ 52 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng bị phong tỏa?

Ngân hàng PVcomBank cho biết, 3 sổ tiết kiệm với số dư 52 tỷ đồng đang là vật chứng trong một vụ án lừa đảo được cơ quan điều tra xử lý nên chưa thể giải tỏa theo yêu cầu của khách hàng.

PVcomBank nói gì về vụ 52 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng bị phong tỏa?

PVcomBank cho rằng số tiền 52 tỷ đồng đang là vật chứng của vụ án hình sự.

Mấy ngày gần đây, dư luận lại xôn xao câu chuyện một khách hàng “tố” Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank phong tỏa tài khoản của khách hàng không đúng quy định, trong khi đó PVcomBank cho biết, 3 sổ tiết kiệm với số dư 52 tỷ đồng đang là vật chứng trong một vụ án lừa đảo được cơ quan điều tra xử lý nên chưa thể giải tỏa theo yêu cầu của khách hàng.

Theo vụ việc, ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang (hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết tháng 10/2018, ông Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang gửi tiết kiệm tổng số tiền 52 tỷ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm tại PVcomBank, một sổ trị giá 12 tỷ đồng đứng tên ông Toàn, 2 sổ còn lại trị giá 40 tỷ đồng đứng tên bà Trang.

Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam (Công ty Jeongho) vay vốn tại PVcomBank. Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định không biết Công ty Jeongho và chưa bao giờ ký vào các văn bản bảo lãnh vay vốn cho công ty này vay vốn.

Tá hỏa vì sự việc này, ông Toàn gửi đơn tố cáo đến Công an TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan để giải quyết. Đồng thời, ông Toàn có văn bản kiến nghị Công an TP. Hà Nội làm rõ.

Ngày 20/3/2019, Công an TP. Hà Nội có thông báo kết luận giám định trả lời ông Toàn cho biết chữ ký, chữ viết trong hợp đồng vay vốn là giả mạo. Ngân hàng đã nhiều lần cam kết trả lại tiền gửi tiết kiệm cho ông nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã phát hiện vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng khi một số cán bộ ngân hàng cấu kết với người bên ngoài giả mạo hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng, trong đó có PVcomBank.

Đến nay, các cơ quan tố tụng TP. Hà Nội đã ban hành kết luận điều tra, truy tố 17 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và đồng phạm đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 432 tỷ đồng của 3 ngân hàng, trong đó tại PVcomBank là 49,4 tỷ đồng.

Trong số này có 12 bị can là cán bộ các ngân hàng, có 2 cán bộ PVcomBank là Đỗ Minh Đức, Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng doanh nghiệp phía bắc, và Bùi Văn Tuấn – nhân viên.

Cũng theo phản ánh của ông Đặng Nghĩa Toàn, sau khi các cơ quan tố tụng Hà Nội kết luận vợ chồng ông không liên quan đến vụ án, khoản tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng ông không phải là vật chứng trong vụ án, ông đã nhiều lần có văn bản đề nghị được gặp, làm việc trực tiếp với lãnh đạo PVcomBank yêu cầu hoàn trả tiền tiết kiệm nhưng luôn bị trốn tránh.

Bất đắc dĩ, cuối tháng 12/2020, ông Toàn mặc áo in chữ tố PVcomBank chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm đến trụ sở ngân hàng này thì bị bảo vệ trấn áp, cấm cửa từ nay không được đến.

Trước phản ánh của ông Toàn, phía PVcomBank đã chính thức lên tiếng. Theo đó, PVcomBank cho biết có vụ việc ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang đứng tên trên 3 sổ tiết kiệm, tổng trị giá là 52 tỷ đồng mở tại PVcomBank.

Tháng 12/2018, ông Toàn và bà Trang đến ngân hàng thông báo bị mất sổ tiết kiệm, đồng thời có văn bản gửi cơ quan an ninh điều  tra đề nghị xác minh làm rõ. Trong khi đó, 3 sổ của ông Toàn và bà Trang vẫn đang là tài sản đảm bảo cho khoản vay tín dụng của Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam.

“Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, PVcomBank đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội để trình báo và đề nghị điều tra, làm rõ”, PVcomBank cho biết.

Cũng theo PVcomBank, hiện 3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang mở tại ngân hàng đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…” theo Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu số 19 và 21 ngày 4/9/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hà Nội để phục vụ cho điều tra vụ án.

Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc và chưa có quyết định cuối cùng. Vì vậy, ngân hàng chưa thể giải tỏa sổ tiết kiệm với số dư nói trên theo yêu cầu của khách hàng.

Về đề nghị giải tỏa 3 sổ tiết kiệm như đã nêu của ông Toàn và bà Trang, PVcomBank đã nhiều lần gửi văn bản thông báo tới ông Toàn và bà Trang, trong đó giải thích rõ vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Khi đó, PVcomBank sẽ xử lý theo đúng phán quyết tại bản án có hiệu lực (văn bản thông báo gần đây nhất số 24089/PVB-QL&TCTTS ngày 16/12/2020). “Hiện PVcomBank đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền để cung cấp thông tin, điều tra làm rõ các vấn đề”, PVcombank cho biết.

 

Tin mới lên