Tài chính

PVS phục hồi ấn tượng, Masan Resources hưởng lợi nhờ giá hàng hóa kim loại tăng

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, PVS sẽ phục hồi ấn tượng trong năm 2017 với doanh thu vượt 30% kế hoạch. Cùng lúc đó, Masan Resources cũng nhận tin vui nhờ giá hàng hóa kim loại tăng, kéo theo doanh thu tăng 46,6% trong nửa đầu năm nay.

PVS phục hồi ấn tượng, Masan Resources hưởng lợi nhờ giá hàng hóa kim loại tăng

KIS ước tính PVS nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch năm 2017 với doanh thu 16.996 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 993 tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch.

PVS phục hồi ấn tượng với lợi nhuận vượt 77% kế hoạch

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ hồi phục ấn tượng trong năm 2017. Cụ thể, kế hoạch thoái vốn các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến đem lại 100.000 tỷ nguồn vốn, đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư của các dự án dầu khí trong giai đoạn 2016 – 2020. Điều này kéo theo khối lượng công việc lớn cho PVS.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, nhu cầu xây lắp và dịch vụ dầu khí tăng lên do nhiều dự án lớn sắp được triển khai như Cá Rồng Đỏ, Sư Tử Trắng 2, Cá Voi Xanh, Sao Vàng – Đại Nguyệt. Lượng backlog M&C ước tính đạt 3 tỷ USD và kéo theo sự phục hồi của mảng tàu khảo sát và cảng dịch vụ.

PVS cho hay, giá dịch vụ đã chạm đáy trong năm 2016 và khó giảm sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, nguồn lợi nhuận ổn định từ mảng FSO/FPSO đảm bảo tình hình tài chính cho PVS. Riêng các mảng dịch vụ khảo sát, ROV và dịch vụ căn cứ cảng đã phục hồi ấn tượng trong nửa đầu năm 2017.

KIS ước tính PVS nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch năm 2017 với doanh thu 16.996 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 993 tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch.

Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ hồi phục ấn tượng trong năm 2017

Trong bối cảnh giá dầu chậm hồi phục, PVS là điểm sáng trong nhóm cổ phiếu dầu khí khi kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và hưởng lợi từ những siêu dự án sắp đến. PVS hiện đang giao dịch tại mức P/E là 8.5 với giá 16.500 đồng. Theo KIS, định giá của PVS đang ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu trong một năm tới, tương ứng với PE 12x. Tổng mức lợi nhuận kỳ vọng đạt 23,5%.

Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017, doanh thu của PVS đạt 7.684 tỷ đồng, giảm 16% nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc. Cụ thể, lợi nhuận gộp đạt 689 tỷ đồng, tăng 22,6%. Lợi nhuận sau thuế giảm 6,6%, đạt 643 tỷ đồng do ghi nhuận khoản lỗ từ liên doanh PV Shipyard và không có khoản hoàn nhập dự phòng mỏ Chim Sáo 100 tỷ như trong nửa đầu năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 8,4% nếu loại trừ yếu tố bất thường này.

Masan Resources hưởng lợi từ diễn biến tăng mạnh của kim loại

Theo báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tình hình giá các mặt hàng kim loại nói chung được đánh giá là khả quan trong năm nay. Cụ thể, sau giai đoạn suy giảm liên tục năm 2013 – 2016, năm 2017 đã chứng kiến màn khôi phục đáng kể trong mặt bằng giá hàng hóa, trong đó có những mặt hàng kim loại đang là sản phẩm chính của Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (Masan Resources – MSR), bao gồm Vonfram, Bismuth và Đồng, với mức giá tăng trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ lần lượt là 12,6%, 6,7% và 20,9%.

Đặc biệt, các loại hàng hóa nói trên đều có mức tăng trưởng tốt từ 15/8 cho tới đầu tháng 9. Riêng trong quý III/2017, giá các kim loại Vonfram, Bismuth và Đồng có mức giá tăng so với cùng kỳ lần lượt là 25%, 9,3% và 27%. Mức giá tăng được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp của các mảng sản phẩm bán ra.

Nguyên nhân khiến giá các mặt hàng kim loại nói chung tăng là do nguồn cung từ Trung Quốc đang bị thu hẹp. Đầu năm nay, các mỏ khai thác kim loại của Trung Quốc gặp nhiều gián đoạn trước những quy định ngày càng khắt khe về vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, việc ngập lụt kéo dài khiến hoạt động khai thác bị tạm dừng trong suốt 3 tháng vừa qua.

Trong nửa đầu năm 2017, Masan Resources đã ghi nhận 2.558,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 46,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 92,1 tỷ đồng, tăng 60,3%.

Hoạt động kinh doanh của Masan Resources hiện phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến giá các loại quặng trong mỏ, bao gồm Vonflam, Bismuth và quặng đồng. Trong đó, Volfram chiếm tỷ trọng trọng yếu trong cơ cấu doanh thu, đóng góp 22% trong cơ cấu lợi nhuận. Do đó, Masan Resources là doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp nhờ diễn biến khởi sắc của giá hàng hóa kim loại kể trên.

Trong nửa đầu năm 2017, Masan Resources đã ghi nhận 2.558,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 46,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 92,1 tỷ đồng, tăng 60,3%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện tốt lên 29,5% so với mức 27% trước đây.

Tăng trưởng trong doanh thu chủ yếu đến từ mảng Volfram, tăng 44,7% nhờ vào cả giá bán lẫn sản lượng khai thác tăng lên. Flourit cũng có sự tăng trưởng mạnh 81,3% trong doanh thu, đạt 581 tỷ đồng và đóng góp chính trong tăng trưởng lợi nhuận, đạt 363,4 tỷ đồng, tăng 122,7%.

Ngoài ra, KIS cho biết, một tập đoàn quốc doanh chuyên về khai thác mỏ của Ấn Độ (NNDC Limited) gần đây đã bày tỏ nguyện vọng mua lại lượng lớn cổ phần tại mỏ Núi Pháo, tuy nhiên, tiến độ đàm phán không được tiết lộ.

Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ IPO với giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phiếu

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa công bố dự thảo phương án cổ phần hóa, và lên kế hoạch bán 25% vốn điều lệ, giữ lại 75% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước. Sau IPO, Nhà nước sẽ sở hữu 300 triệu cổ phần. Với tổng cộng 100 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán, VRG dự kiến thu về 12,8 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, VRG sẽ bán 11,88% cổ phiếu, tương đương với 475.090.056 cổ phiếu thông qua đấu giá công khai trong 45 ngày sau khi nhận được phê duyệt của chính phủ đối với phương án cổ phần hóa. Giá đấu giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, VRG cũng bán 0,76% cổ phiếu, tương đương 30.452.800 cổ phiếu cho người lao động và nông dân bên ngoài với giá bằng 60% so với giá thành công thấp nhất tại phiên đấu giá IPO.

Cuối cùng, VRG sẽ bán 0,45% cổ phiếu, tương đương 17.935.500 cổ phiếu cho người lao động được lựa chọn và 0,03% cổ phiếu, tương đương 1.087.179 cổ phiếu cho Công đoàn với giá bán thành công thấp nhất trong 60 ngày sau khi nhận được phê duyệt của chính phủ.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa công bố dự thảo phương án cổ phần hóa, và lên kế hoạch bán 25% vốn điều lệ.

Tập đoàn này được định giá 49,2 nghìn tỷ đồng và sở hữu 491.929 ha đất. Trong năm 2016, VRG đạt doanh thu 20,7 nghìn tỷ đồng và 2,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, VRG báo đạt tổng doanh thu là 20,7 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1,53 nghìn tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ, hoàn thành 33% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm.

Theo HSC, kết quả này trên thực tế khá tốt do các doanh nghiệp cao su thường ghi nhận 70% doanh thu trong 6 tháng cuối năm. Đến năm 2020, Tập đoàn này đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 40,7 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,95 nghìn tỷ đồng.

Tin mới lên