Tài chính quốc tế

PwC: Năm 2050, Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới

(VNF) - Đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ đứng vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, theo dự báo của PwC. Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo sau là Ấn Độ và Mỹ nếu xét theo GDP ngang giá sức mua.

PwC: Năm 2050, Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2016 - 2050.

Nhận định này được đưa ra từ báo cáo: "Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?" được hãng kiểm toán PwC công bố ngày hôm nay trong dự án nghiên cứu "Thế giới năm 2050". Báo cáo của PwC đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất đang chiếm tổng cộng khoảng 85% GDP thế giới.

Theo báo cáo, năm 2016, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới, với GDP tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) là 595 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo là nhanh nhất thế giới giai đoạn 2016-2050 là 5,1% mỗi năm, thứ hạng của Việt Nam sẽ liên tục cải thiện.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất từ 2016-2050

Các chuyên gia PwC nhận định, quy mô kinh tế toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2042 và mức tăng trưởng thực tế hàng năm sẽ ở khoảng 2,5% trong giai đoạn 2016-2050.

Các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ là những động lực chính của sự tăng trưởng này. Cụ thể, các nước trong nhóm E7 (gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tăng trưởng trung bình 3,5% trong 34 năm tới, cao hơn mức 1,6% của nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ).

Trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050, có tới 6 đại diện là các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, Nhật Bản, Anh, Đức đều tụt hạng. Pháp thậm chí rơi khỏi top 10.

PwC dự báo top 5 nước có quy mô GDP lớn nhất (tính theo PPP) vào năm 2030 theo thứ tự là: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Đến năm 2050, top 5 này sẽ thay đổi là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia và Brazil.

Nền kinh tế Việt Nam, từ thứ hạng 32 (595 tỷ USD) trong các nền kinh tế được xếp hạng năm 2016, sẽ vươn lên vị trí 29 (1.303 tỷ USD) vào năm 2030 và vị trí 20 (3.176 tỷ USD) vào năm 2050, theo dự báo của PwC. GDP tính theo PPP của Việt Nam khi đó sẽ cao hơn của Canada, Italia, Australia, Hà Lan, Argentina, Thái Lan…. 

Xét về tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050, với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5%. 

Vị thứ của Việt Nam ở các năm 2016 - 2030 - 2050. Nguồn IMF (các số liệu năm 2016); PwC (dự báo cho năm 2030 và 2050)

Hai năm trước, báo cáo khảo sát của PwC dự báo rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 22 thế giới vào năm 2050. Theo báo cáo cập nhật năm nay thì Việt Nam có thể tăng thêm hai bậc.

Xây dựng một chính phủ kiến tạo là hướng đi đúng đắn 

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết: "Hai năm trước, PwC dự báo rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 22 thế giới vào năm 2050. Theo báo cáo cập nhật năm nay thì Việt Nam có thể sẽ lên tăng lên hạng thứ 20. Khi mà thế giới đang đối mặt với một số sự kiện chính trị nổi bật như việc Anh rời khỏi EU hay kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm những biến động lớn nữa từ nay đến năm 2050".

Do đó, bà Vân nhấn mạnh để thành công được trong sân chơi đầy biến động như thế, Việt Nam sẽ cần tăng trưởng dựa trên nền tảng là những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế bền vững hơn, thể chế hoàn thiện hơn, và một nền giáo dục - đào tạo chất lượng hơn để người lao động có thể đóng góp thực sự hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.

"Đối với một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam thì sự tăng trưởng chậm lại của thương mại toàn cầu đang cho thấy nhiệm vụ cấp bách cần xây dựng một nền kinh tế đa dạng hơn, có khả năng tạo dựng cơ hội kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực hơn. Chủ trương xây dựng một chính phủ kiến tạo nhằm đổi mới thể chế nhanh chóng hơn chính là một hướng đi đúng đắn để hiện thực hóa nhiệm vụ này tại Việt Nam", bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết.

Tin mới lên