Tài chính quốc tế

Qatar: Thay thế Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu là ‘bất khả thi’

(VNF) - Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng hiện Nga cung cấp khoảng 30%-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường châu Âu, việc Qatar có thể thay Nga đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu là "bất khả thi".

Qatar: Thay thế Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu là ‘bất khả thi’

Hiện Nga cung cấp khoảng 30%-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường châu Âu.

Ông Saad al-Kaabi hiện cũng là Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng thuộc sở hữu nhà nước QatarEnergy. Trả lời phỏng vấn ngày 25/3, ông al-Kaabi khẳng định Qatar sẽ không đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine, đồng thời không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga.

“Năng lượng nên đứng ngoài lĩnh vực chính trị”, Bộ trưởng Năng lượng Qatar nhấn mạnh. Qatar hiện là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Trước đó, phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar hồi cuối tháng 2, ông al-Kaabi cho biết: “Hầu hết nguồn cung LNG đều được gắn với các hợp đồng dài hạn, chủ yếu là cho các khách hàng châu Á, nên việc chuyển hướng sang châu Âu chỉ có thể ở mức từ 10-15%. Để thay thế khối lượng khổng lồ mà Nga cung cấp một cách nhanh chóng là điều gần như không thể”.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Dù vậy, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu bắt đầu giảm từ giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn từ đầu năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phuơng Tây đang leo thang mạnh mẽ.

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Để đạt mục tiêu này, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu đàm phán với các nước sản xuất năng lượng chính như Na Uy, Qatar, Algeria; đồng thời đạt thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường cung cấp LNG cho EU.

Trong ngày 25/3, Mỹ và EU công bố thỏa thuận cung cấp LNG, theo đó, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành.

Lực lượng đặc trách này sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và EU; đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo đó, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG. Nhà Trắng cho biết sẽ nỗ lực đảm bảo nhu cầu về khí đốt tự nhiên ít nhất đến năm 2030 cho EU với khối lượng 50 tỷ m3/năm.

Xem thêm >> Đức quyết tâm ‘cai nghiện’ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2024

Tin mới lên