Tài chính quốc tế

Qatar tiến gần tới thỏa thuận mua S-400 của Nga bất chấp Arab Saudi phản đối

(VNF) - Ông Nurmakhmad Kholov, Đại sứ Nga tại Qatar, ngày 19/3 cho biết Qatar đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và muốn mua tổ hợp này bất chấp sự phản đối của một số quốc gia.

Qatar tiến gần tới thỏa thuận mua S-400 của Nga bất chấp Arab Saudi phản đối

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.

"Doha đã thể hiện sự quan tâm tới việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 dù thực tế chưa có thỏa thuận cụ thể nào được kí kết", ông Kholov cho biết thêm.

Kể từ khi nổ ra cuộc tranh chấp ngoại giao ở vùng Vịnh vào tháng 6/2017, Nga đã tích cực xuất khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tân tiến S-400, với các thương vụ mua bán với Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ.

Qatar và Nga cũng đã ký thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự về phòng không và cung cấp thiết bị quân sự trong năm 2017. Tuy nhiên đàm phán về mua bán hệ thống S-400 được giữ im lặng, vì Arab Saudi lo ngại Qatar sẽ triển khai hệ thống phòng không này để nhắm vào các mục tiêu của Arab Saudi.

Ngoại trưởng Qatar Soltan bin Saad Al- Muraikhi (phải) và Đại sứ Nga tại Qatar Nurmakhmad Kholov.

Quốc vương Arab Saudi Salman từng cảnh báo Riyadh “sẽ sẵn sàng tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết, trong đó có hành động quân sự, để xóa sổ hệ thống phòng không này” nếu Qatar mua S-400. Đây được xem là hành động đe dọa gây chiến đối với Doha.

Đáp lại, Ngoại trưởng Qatar Soltan bin Saad Al- Muraikhi tuyên bố, việc mua sắm vũ khí cuả nước này với Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác không phải là công việc của Arab Saudi, bởi đó là quyết định của 1 quốc gia có chủ quyền.

Hồi giữa tháng 2, Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin nước này và Arab Saudi đang đàm phán một hợp đồng cung cấp “rồng lửa” S-400.

TASS dẫn lời Tổng giám đốc tập đoàn vũ khí Rosoboronexport Nga, ông Alexander Mikheev, cho biết hai nước sẽ tổ chức thêm các cuộc tham vấn.

Việc Nga và Arab Saudi đàm phán về việc mua hệ thống phòng không S-400 diễn ra trong bối cảnh Mỹ, đồng minh thân cận của Saudi, không hài lòng về việc các nước đồng minh muốn có được các hệ thống phòng thủ của Nga và đã áp lệnh trừng phạt Trung Quốc liên quan đến thương vụ này.

Mới đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng chỉ trích rằng thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế.

S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km và cao 40-50km; có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu.

Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m. Chưa hết, S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách tới 400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km

So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số. S-400 chỉ mất có 5 phút để triển khai chiến đấu, trong khi PAC-3 cần tới 30 phút; S-400 có tầm bắn 400km xa hơn 240km của PAC-3; S-400 có thể theo dõi tới 300 mục tiêu trong khi số mục tiêu mà PAC-3 có thể theo dõi là 100; cự ly phát hiện mục tiêu của S-400 cũng lớn hơn PAC-3 (600km so với 350km); S-400 cũng có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn PAC-3 (4,8km/s so với 2 km/s).

Xem thêm >> Nga kiên quyết không phá hủy tên lửa mà Mỹ cáo buộc vi phạm INF

Tin mới lên