Ngân hàng

'Quân bài cũ' đằng sau lợi nhuận vạn tỷ của Techcombank giữa dịch Covid-19

(VNF) - Điểm đặc biệt là lợi nhuận Techcombank tăng mạnh không hề do giảm trích lập dự phòng hay giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu như một số ngân hàng khác.

'Quân bài cũ' đằng sau lợi nhuận vạn tỷ của Techcombank giữa dịch Covid-19

'Quân bài cũ' đằng sau lợi nhuận vạn tỷ của Techcombank giữa dịch Covid-19

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng lên đến trên 10.700 tỷ đồng, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng trên 1.850 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận vạn tỷ chỉ sau 9 tháng cùng tốc độ tăng trưởng cao của Techcombank có thể coi là một hiện tượng trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải "vật lộn" với khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19.

Điểm đặc biệt là lợi nhuận ngân hàng này tăng mạnh không hề do giảm trích lập dự phòng hay giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu như một số ngân hàng khác.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đã giảm từ mức 1,33% cuối năm ngoái xuống 0,6% cuối tháng 9 năm nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/quy mô nợ xấu) tăng tương ứng từ 95% lên 148%, đưa Techcombank trở thành ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hàng đầu hệ thống.

Để cùng lúc giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, ngân hàng này đã tăng gấp 3,7 lần chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đạt 2.244 tỷ đồng trong 9 tháng. Đây là tiền đề để Techcombank mạnh tay xóa nợ xấu bằng nguồn dự phòng.

Cụ thể, lượng nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng trong 9 tháng năm 2020 lên đến 3.119 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2017 (năm Techcombank sạch nợ xấu tại VAMC) dù chặng đường kết thúc năm 2020 vẫn còn một quý nữa. Mức nợ xấu xử lý bằng dự phòng trong năm 2017 là 1.748 tỷ đồng, năm 2018 là 2.553 tỷ đồng và năm 2019 là 256 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng là nghiệp vụ làm suy giảm lợi nhuận. Vì vậy, để tăng mạnh trích lập dự phòng nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cao, hoạt động kinh doanh của Techcombank phải đạt được hiệu suất sinh lời vượt trội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu vay vốn, Techcombank đã sử dụng "quân bài cũ" để gia tăng hiệu suất sinh lời: tập trung vào tăng trưởng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Diễn biến dư nợ tín dụng của Techcombank trong năm 2020 khá tương đồng với năm 2018 khi dư nợ cho vay chững lại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh. Nguồn: Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của Techcombank

Techcombank là một trong những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng cao nhất hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.

Trái phiếu doanh nghiệp là tài sản rủi ro hơn dư nợ cho vay, đổi lại, đem về lợi ích lớn hơn. Bên cạnh nguồn lãi từ việc sở hữu trái phiếu, ngân hàng còn có thể có được nguồn thu "khủng" từ việc bán lại trái phiếu cho đối tượng khác có nhu cầu (đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp như hiện nay) để "ăn chênh", cùng với đó, thu nguồn lợi lớn từ bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm nay, dư nợ tín dụng của Techcombank đã tăng 9,17%, trong đó dư nợ cho vay gần như giữ nguyên, tăng trưởng chủ yếu đến từ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp với mức tăng lên tới 79%.

Chỉ riêng nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp) đã đem về cho ngân hàng này tới 893 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 556 tỷ đồng.

Việc tăng mạnh dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không chỉ đem lại lợi ích trong hiện tại mà sẽ là động lực quan trọng giúp Techcombank duy trì tăng trưởng cao trong thời gian tới, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của nền kinh tế chưa biết khi nào mới phục hồi.

Tuy nhiên, quân bài cũ mang tên "trái phiếu doanh nghiệp" không thể một mình tạo ra thành tích đáng nể 9 tháng vừa qua của Techcombank.

Động lực khác phải kể đến chi phí huy động. Chi phí huy động vốn của Techcombank gần như không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù số dư tiền gửi khách hàng vẫn tăng trên 9%. Lãi suất tiền gửi giảm sâu là một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng khác là ngân hàng này rất thành công trong việc gia tăng quy mô tiền gửi không kỳ hạn (hay còn gọi là tiền gửi thanh toán, có lãi suất cực thấp, chỉ khoảng 0-0,2%/năm).

Cụ thể, quy mô tiền gửi khách hàng không kỳ hạn của Techcombank đã tăng tới 23% trong 9 tháng năm nay, giúp tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) tăng từ 33% lên 37%, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Chi phí huy động không tăng nhưng doanh thu tín dụng lại tăng khá mạnh giúp thu nhập lãi thuần 9 tháng của Techcombank tăng tới 28%.

Cùng với đó, cũng phải kể đến nguồn thu từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt với mức tăng lãi thuần 29%, tương đương tăng 500 tỷ đồng.

Một điểm cũng rất đặc biệt là ngay giữa dịch Covid-19, Techcombank không những không cắt giảm chi phí hoạt động mà còn đẩy mức tăng lên tới 27%, trong đó lượng lớn là tăng chi cho nhân viên. Điều này giúp thu nhập bình quân mỗi nhân viên tăng từ 33 triệu đồng/tháng cuối năm 2019 lên 37 triệu đồng/tháng cuối tháng 9/2020.

Tin mới lên