Tài chính quốc tế

Quan hệ Canada-Trung Quốc sẽ ra sao sau khi ‘công chúa Huawei’ được phóng thích?

(VNF) - Từng kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc khi mới đắc cử vào năm 2015, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không lường trước việc quan hệ với Bắc Kinh leo thang căng thẳng chưa từng có sau vụ Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ.

Quan hệ Canada-Trung Quốc sẽ ra sao sau khi ‘công chúa Huawei’ được phóng thích?

Vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng.

3 năm khủng hoảng ngoại giao

Bà Mạnh Vãn Châu (1972), con gái người sáng lập tập đoàn viễn thông Huawei Nhậm Chính Phi, bị Canada bắt hôm 1/12/2018 theo đề nghị của Mỹ.

Bà Mạnh bị Mỹ truy tố với 23 tội danh, trong đó có rửa tiền, lừa đảo, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết vụ bắt bà Mạnh "không có sự can thiệp chính trị", nhưng vụ việc này đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Canada đã vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc bằng cách lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương và tự ý áp dụng các biện pháp mạnh mẽ đối với bà Mạnh Vãn Châu.

Đồng thời, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng cho rằng Canada là "đồng lõa của Mỹ trong các nỗ lực hạ bệ Huawei và các công ty công nghệ cao Trung Quốc".

Ngay sau đó, Trung Quốc bắt hai công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc "tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc".

Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh không có sự liên quan giữa vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu và việc bắt giữ 2 công dân Canada, nhưng Thủ tướng Canada cho rằng hai vụ việc này có liên quan trực tiếp đến nhau.

Xung đột lan sang cả lĩnh vực thương mại. Tháng 3/2019, Trung Quốc cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada, nguyên liệu được sử dụng để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi, vì "phát hiện sâu hại". 3 tháng sau, Trung Quốc tiếp tục đình chỉ toàn bộ thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Canada, với lý do phát hiện giấy chứng nhận thú y giả mạo, đến tháng 11/2019 mới nối lại.

Tháng 9/2020, Canada đã hủy các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc, vốn đã đình trệ hơn một năm và chưa có khả năng nối lại.

"Tôi không thấy điều kiện hiện tại phù hợp để các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra. Trung Quốc của năm 2020 không phải là Trung Quốc của năm 2016", Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagne nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Globe and Mail hồi tháng 9 năm ngoái.

Ông nhấn mạnh thêm rằng tất cả sáng kiến và chính sách đưa ra năm 2016 với Trung Quốc cần phải xem xét lại.

Quyết định hủy đàm phán đánh dấu một thay đổi chính sách lớn của chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau 4 năm nỗ lực đàm phán với hy vọng trở thành thành viên đầu tiên của G7 ký thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều này cũng thể hiện quan điểm cứng rắn của Canada đối với Trung Quốc, tương tự Mỹ, Australia và các nước EU đã làm, sau khi các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng thất bại.

Nút thắt có được tháo gỡ?

Sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Vancouver, bà Mạnh Vãn Châu đã bay về Trung Quốc hôm 24/9 sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ để kết thúc vụ kiện với cáo buộc lừa gạt ngân hàng.

Việc bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do về Trung Quốc, sau đó, Bắc Kinh gần như lập tức phóng thích 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, được xem là yếu tố quyết định, góp phần gỡ nút thắt căng thẳng kéo dài 3 năm qua giữa 2 nước.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CBC News ngày 26/9, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau, cho hay Chính phủ Canada đang theo đuổi cách tiếp cận gồm 4 yếu tố với Trung Quốc bao gồm "cùng tồn tại", "cạnh tranh", "hợp tác" và "thách thức".

Ông Garneau nói Canada sẽ cạnh tranh với Trung Quốc về các vấn đề như thương mại và hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời thách thức Trung Quốc trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và vấn đề Hong Kong.

Ông Gordon Houlden, Giám đốc danh dự Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta, cho rằng việc bà Mạnh Vãn Châu được phóng thích về nước có thể khôi phục phần nào mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đồng thời thúc đẩy hai bên hàn gắn trong các lĩnh vực như tăng cường quan hệ kinh tế, giáo dục song phương.

Tuy nhiên, ông Houlden cho rằng có thể phải mất nhiều năm nữa quan hệ hai nước mới có thể khôi phục hoàn toàn.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử, CFO Huawei được phóng thích

Tin mới lên