Diễn đàn VNF

Quan hệ Việt - Mỹ nhân chuyến thăm của nữ Phó tổng thống Mỹ: 'Không gì là không thể'

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đặt chân đến sân bay Nội Bài bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 3 ngày. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Phó tổng thống Mỹ và chuyến công du thứ hai của một quan chức nội các Mỹ tới Đông Nam Á trong chưa đầy một tháng.

Quan hệ Việt - Mỹ nhân chuyến thăm của nữ Phó tổng thống Mỹ: 'Không gì là không thể'

TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Việt Nam là điểm đến được lựa chọn? Câu trả lời không có gì khác ngoài những thành công và các kết quả đã đạt được trong quan hệ Việt - Mỹ những năm gần đây. Nói đến điều này tôi đã nghĩ ngay đến cuốn sách của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Ted Osius có tựa đề “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam” (Nothing Is Impossible: American’s Reconcilation with Vietnam). Được biết, cuốn sách kể về tiến trình hòa giải kéo dài hơn 25 năm giữa Việt Nam và Mỹ.

Vui chảy nước mắt vì… bỏ cấm vận

Tuy chưa được đọc cuốn sách, nhưng qua những thông tin mà tôi được biết,  tôi cho rằng đó là cuốn sách quý, thể hiện mong muốn của rất nhiều, rất nhiều người ở mọi lứa tuổi, vị trí xã hội, nhận thức khác nhau, cả ở Việt Nam và ở Mỹ, đều mong muốn mối quan hệ Việt - Mỹ được tiếp tục xây dựng, phát triển tốt đẹp.

Tựa đề của cuốn sách đã đưa tôi quay trở lại quá khứ, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện một cách thiết thực, tích cực đường lối mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào tháng 12/1987.

Tại giai đoạn bắt đầu mở cửa đó, sau những năm chiến tranh kéo dài, Việt Nam đã đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức nội tại và từ bên ngoài để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thách thức nội tại lớn nhất trong giai đoạn đầu mở cửa này là đổi mới tư duy về thu hút đầu tư nước ngoài, tuy đã thực hiện được bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1987 như vừa nêu trên, nhưng các thách thứ, khó khăn còn lại cũng không nhỏ: cơ sở hạ tầng nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, đời sống người dân khó khăn chồng chất khó khăn, lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày thiếu, các cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực phải xây dựng lại từ đầu… cùng với thách thức từ bên ngoài là đất nước bị bao vây cấm vận bởi các nước tư bản chủ nghĩa, nên không có nhà đầu tư nước ngoài nào dám đầu tư vào Việt Nam.

Lớp cán bộ chúng tôi lúc đó thuộc biên chế Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư (SCCI) - một cơ quan cấp Bộ mới được thành lập để làm đầu mối quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, đã theo sát từng ngày tiến trình đi đến xóa bỏ cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Ngay sau khi nghe tin Mỹ đã chính thức bỏ cấm vận với Việt Nam, chúng tôi đã nhảy lên vui mừng, thật khó tả hết cảm xúc của từng người lúc đó, có những giọt nước mắt đã chảy ra… Cơ hội và vị thế của Việt Nam từ giờ phút đó đã thay đổi.

Quan hệ Việt- Mỹ, không gì là không thể

Trước cơ hội đó, Việt Nam đã tiếp tục đổi mới tư duy, tận dụng cơ hội, từng bước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong một số năm sau đó, Việt Nam đã tiến hành việc mời gọi các tập đoàn lớn, có công nghệ cao của nước ngoài vào Việt Nam, và Mỹ đã tạo cơ hội cho Việt Nam đột phá, điển hình là việc mời gọi tập đoàn Intel.

Thời điểm đó, chúng tôi được biết Việt Nam đã lọt được vào top 3 quốc gia mà Intel sẽ chọn 1 để vào đầu tư, đó là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ thời gian đó đã thành lập Tổ công tác Intel. Tổ công tác đã có nhiều buổi họp nội bộ, rồi làm việc, trao đổi, với Intel, sang cả Thượng Hải xem cụ thể dự án của Intel tại đấy.

Tổ công tác đã đưa ra các địa điểm cho Intel lựa chọn trong đó có Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc…  nhưng cuối cùng Intel đã chọn Khu công nghệ cao TP. HCM là điểm đầu tư và đến nay, có thể nói, Intel đã thành công trong đầu tư tại Việt Nam.

Đầu tư của Intel đã mở đầu cho các dự án có công nghệ cao, quy mô lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Kết quả thu hút FDI Trong 6 tháng đầu năm 2021, đầu tư của Mỹ đã đứng thứ 7 trong top 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 28 dự án cấp mới tổng vốn đăng ký 300,64 triệu USD, và 6 dự án điều chỉnh tăng 6,59 triệu USD. 

Từ bao vây cấm vận về kinh tế đến đầu tư đứng trong top 10 quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cho thấy “Với quan hệ Việt - Mỹ, không gì là không thể” (câu nói của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson).

Nhóm anh em chúng tôi, là những người có nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đã được tham gia vào nhiều đoàn công tác sang Mỹ, cá nhân tôi cũng đã nhận thấy rõ điều cựu đại sứ Pete Peterson nói.

Hướng tới tương lai tốt đẹp

Tôi đã rất tâm đắc với lời phát biểu của nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi kết thúc bài phát biểu của ông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sáng ngày 24/5/2016 trong chuyến thăm chính thức - công du lịch sử của ông tại Việt Nam vào tháng 5/2016. 

Lời phát biểu này của ông cũng đã được tôi gửi đến các bạn trẻ Việt Nam như ông hướng đến, trong phần mở đầu cuốn sách mới được xuất bản vào đầu tháng 8/2021: “FDI - NHIỆM VỤ KÉP TRONG BỐI CẢNH MỚI/FDI - DUAL TASK IN THE NEW CONTEXT”, song ngữ Việt - Anh (Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật). Tôi hiểu rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ như ông Barack Obama đã hướng tới họ.

Ông Obama đã nói rõ như sau: “Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt Nam mới - với rất nhiều người trong số các bạn, rất nhiều bạn trẻ có mặt ở đây - những người luôn sẵn sàng ghi lại dấu ấn của mình trên thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả những người trẻ đang lắng nghe tôi nói rằng: tài năng của bạn, con đường của bạn, những giấc mơ của bạn - trong tất cả những thứ đó, Việt Nam đã có tất cả những thành tố cần thiết để phát triển. Vận mệnh của bạn là trong tay của bạn. Đây là thời điểm của bạn. Và khi bạn theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết rằng Mỹ sẽ ở đó bên bạn như là đối tác của bạn và là bạn của bạn.

Và trong nhiều năm tới kể từ bây giờ, khi ngày càng có nhiều người Việt Nam và Mỹ đang học tập với nhau; đổi mới sáng tạo và kinh doanh với nhau; cùng chung tay vì an ninh của chúng ta, thúc đẩy nhân quyền và cùng nhau bảo vệ hành tinh của mình…, tôi hy vọng bạn hãy nhớ lại thời điểm này và ấp ủ hy vọng từ tầm nhìn mà tôi đã đề ra ngày hôm nay. Hay, nếu tôi có thể nói một cách khác - mượn lời của Truyện Kiều mà các bạn đều biết: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Thay mặt nước Mỹ, ông Barack Obama đã nói rằng “Tôi muốn bạn biết rằng Mỹ sẽ ở đó bên bạn như là đối tác của bạn và là bạn của bạn”. Chuyến thăm Việt Nam lần này của nữ Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực, dựa trên nền tảng hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, như lời Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Tuy đã hiểu nhau, nhưng thực tế mỗi bên đều có những vấn đề riêng của mình để giải quyết, nhưng đã là bạn tin cậy nhau, không có gì không thể bàn để đi đến sự thống nhất vì mục tiêu phát triển trái đất xanh của chúng ta hòa bình, thịnh vượng, công bằng, bình đẳng, bác ái và không có một ai bị bỏ lại phía sau.

Tin mới lên