Tiêu điểm

Quản lý nợ công: nợ của Ngân hàng Nhà nước tính thế nào?

Theo Tờ trình về dự án sửa đổi Luật quản lý nợ công vừa được Bộ trưởng Bộ tài chính trình bày tại Quốc hội, cách tính nợ đối với một số khoản nợ sẽ được điều chỉnh, trong đó có nợ của Ngân hàng Nhà nước.

Quản lý nợ công: nợ của Ngân hàng Nhà nước tính thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Cụ thể, về phạm vi nợ công, Luật hiện hành quy định nợ công gồm: (1) Nợ chính phủ; (2) nợ được Chính phủ bảo lãnh; và (3) nợ của chính quyền địa phương.

Cho cho rằng quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta, tuy nhiên qua tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng như trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi vẫn còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các ý kiến đáng chú ý bao gồm: cần xác định nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức kinh tế khác của nhà nước hay không; cần đưa các khoản nợ xây dựng cơ bản và nợ hoàn thuế GTGT và nợ bảo hiểm xã hội vào nợ công; xác định nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thuộc nợ công hay không.

Về các ý kiến này, Bộ trưởng cho rằng theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm các nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (trung ương và địa phương) và nghĩa vụ nợ dự phòng, theo đó các nghĩa vụ nợ trực tiếp là các khoản nợ mà Chính phủ là chủ thể vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ NSNN; các nghĩa vụ nợ dự phòng là các khoản nợ mà Chính phủ không phải là chủ thể đi vay nhưng có cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay mất khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ vốn vay.

Ngoài ra, do đặc thù của Việt Nam, Chính phủ còn vay về cho vay lại đến các doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư quan trọng của đất nước. Luật Quản lý nợ công hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi đã tiếp cận thông lệ này, theo đó các nghĩa vụ nợ trên đã được tính đầy đủ vào nợ công gồm nghĩa vụ nợ trực tiếp (nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương) bao gồm cả phần Chính phủ vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng thông qua cấp bảo lãnh Chính phủ.

Riêng đối với nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò là ngân hàng trung ương, thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có hoạt động phát hành các công cụ nợ (chủ yếu là các công cụ nợ ngắn hạn, dưới 12 tháng).

Theo Bộ trưởng Dũng, bản chất của việc phát hành này là sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để điều hòa cung ứng tiền tệ theo quy định tại Điều 10 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 về công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tương tự như các công cụ khác theo quy định của Luật này gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở.

Còn theo thông lệ quốc tế, ở phần lớn các nước, ngân hàng trung ương là độc lập, thống đốc ngân hàng trung ương không phải là thành viên của Chính phủ. Đối với Việt Nam, bên cạnh vai trò ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, bao gồm các nội dung quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ. Do đó, việc quy định các khoản phát hành các công cụ nợ ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam và quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010.

Do đó, bám sát quan điểm kế thừa quy định của Luật hiện hành, các cấu phần nợ công gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp thu, bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (các khoản bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp Nhà nước đã được tính vào nợ công) và nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.

Tin mới lên