Bất động sản

Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch với 88,19% phiếu thuận

(VNF) – Sáng 24/11 - ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Quy hoạch.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch với 88,19% phiếu thuận

Thông qua Luật Quy hoạch, chấm dứt tình trạng giẫm chân nhau giữa các bộ, ngành trong công tác quy hoạch

Cụ thể, đã có 455 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 92,67% tổng số đại biểu. Trong số đó, có 433 đại biểu tán thành, chiếm 88,19%.

Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Quy hoạch. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một dự luật riêng điều chỉnh công tác lập quy hoạch.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch

Gồm 6 Chương, 59 Điều và 3 Phụ lục, Luật Quy hoạch quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch.

Luật sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Luật cũng bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất…

Trình tự trong hoạt động quy hoạch sẽ thực hiện gồm các bước: Lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, công bố quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Luật quy định rõ Hệ thống quy hoạch quốc gia gồm:

Một, quy hoạch cấp quốc gia, gồm có: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia;

Sau quy hoạch cấp quốc giá là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn.

Trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Tin mới lên