Tài chính quốc tế

Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài

Vào thứ Sáu (15/3), tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ hai, các nhà lập pháp Trung Quốc đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, một đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ lợi ích và môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài

Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Đầu tư nước ngoài.

Tân Hoa Xã cho biết khoảng 9h sáng ngày 15/3 (giờ Trung Quốc), đa số đại biểu Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Khóa XIII đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo bộ luật này. Luật Đầu tư nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Với các quy định thống nhất cho việc gia nhập, thúc đẩy, bảo vệ lợi ích và quản lý đầu tư nước ngoài, đây là một đạo luật mới và vô cùng quan trọng đối với đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

Theo nhận định, Luật Đầu tư nước ngoài được soạn thảo nhằm mục đích cải thiện tính minh bạch của các chính sách đầu tư nước ngoài và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp nước ngoài lẫn doanh nghiệp trong nước.

Luật Đầu tư nước ngoài quy định nhà nước Trung Quốc quản lý đầu tư nước ngoài theo quy tắc đãi ngộ quốc gia. Đây là một trong những nguyên tắc nền tảng quan trọng nhất của hệ thương mại đa phương.

Theo bộ luật này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng các chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và mua sắm chính phủ. Tất cả đều dựa trên quy tắc cạnh tranh công bằng và tuân thủ luật pháp.

Luật này sẽ thúc đẩy tính minh bạch và sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với nguồn vốn nước ngoài, ông Vivian Jiang, Phó chủ tịch của Deloitte Trung Quốc cho biết.

Với bộ luật mới này, Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh dựa trên luật pháp quốc tế.

Sau khi có hiệu lực, bộ luật này sẽ thay thế ba luật hiện hành về liên doanh vốn Trung Quốc với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng như liên doanh hợp đồng giữa Trung Quốc và nước ngoài.

Luật Liên doanh Cổ phần của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào năm 1979, ngay sau khi nước này bắt đầu thực hiện cải cách và chính sách mở cửa. Hai đạo luật sau được ban hành vào những năm 1980. Trong nhiều thập kỷ qua, ba luật này đã cung cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý hiệu quả cho các công ty nước ngoài nhưng không còn phù hợp với nhu cầu cải cách và mở cửa trong kỷ nguyên mới.

Vào cuối năm 2018, khoảng 960.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Trung Quốc với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt quá 2,1 nghìn tỷ USD. Theo một báo cáo của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc hiện đứng đầu trong số các nước đang phát triển trong 27 năm liên tiếp.

Luật Đầu tư nước ngoài cho thấy ý chí và quyết tâm của Trung Quốc trong công tác cải cách và mở cửa trong bối cảnh lịch sử mới. "Bộ luật mới là một minh chứng đầy đủ cho quyết tâm và sự tự tin của Trung Quốc trong việc mở cửa kinh tế và thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới", ông Wang Chen, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này cho biết.

"Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đang chờ Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực để được cạnh tranh trên một sân chơi công bằng", ông Harley Seyedin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (American Chamber of Commerce) tại Nam Trung Quốc cho nhận định.

Theo một cuộc khảo sát, 240 công ty thuộc hiệp hội này đều trả lời có kế hoạch tăng ngân sách tái đầu tư của họ từ lợi nhuận ở Trung Quốc trong năm nay lên tổng cộng 19,4 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2018.

Ông Adam Dunnett, Tổng thư ký Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận xét: "Luật Đầu tư nước ngoài sẽ tăng đáng kể uy tín của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư".

Trước đó, các ngân hàng Citibank và Morgan Stanley đã đưa ra dự báo về một dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ trị giá tới 200 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường vốn Trung Quốc trong năm 2019.

Xem thêm >> Xả súng đẫm máu ở New Zealand: Một nghi phạm là khủng bố đến từ Úc

 

Tin mới lên