Tiêu điểm

Quốc hội và sứ mệnh hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường

(VNF) - Sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV cũng đã thành công tốt đẹp. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao đến 99,57% và một lần đã bầu đủ 500 đại biểu, Quốc hội khóa mới đã nhận được sự ủy quyền đầy đủ của nhân dân để triển khai chương trình nghị sự của quốc gia cho 5 năm 2021-2026 tới.

Quốc hội và sứ mệnh hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường

Một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự là “Hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Thể chế phát triển kinh tế thị trường được cấu thành từ 5 thiết chế: 1. Quyền tài sản; 2. Thị trường; 3. Cạnh tranh; 4. Phân công lao động; 5. Hợp tác. Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường chính là hoàn thiện 5 thiết chế nói trên.

Trước hết là quyền tài sản. Quyền tài sản được cấu thành từ bốn quyền: quyền chiếm hữu; quyền quản lý; quyền thu lợi; quyền định đoạt. Quyền tài sản là động lực của kinh tế. Không ai bỏ tiền bạc, công sức ra để trồng lúa, nếu lúa trồng được lại bị tịch thu. Không ai bỏ tiền bạc, công sức ra để xây nhà, nếu nhà xây xong bị kẻ khác chiếm đoạt. Bảo đảm quyền tài sản chính là bảo đảm động lực để phát triển kinh tế.

Quyền tài sản về cơ bản đã được bảo đảm khá tốt ở nước ta. Chỉ còn hai điểm nghẽn mà Quốc hội khóa XV cần quan tâm xử lý. Đó là sự phức tạp, khó khăn trong việc thực thi quyền tài sản đối với đất đai và năng lực yếu trong việc bảo hộ quyền tài sản trí tuệ.

Để xử lý điểm nghẽn thứ nhất cần sớm sửa đổi Luật Đất đai theo hướng minh bạch hóa quy trình định giá, thu hồi, chuyển đổi đất và giám sát chặt chẽ quyền năng của các quan chức Nhà nước ở đây. Để xử lý điểm nghẽn thứ hai, cần nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc bảo hộ quyền tài sản trí tuệ và trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tài sản trí tuệ.

Thứ hai là thị trường. Thị trường là nơi để trao đổi hàng hóa, dịch vụ hay các quyền tài sản. Kinh tế thị trường về bản chất chính là việc trao đổi các quyền tài sản thông qua tiền tệ như phương tiện trung gian: quyền tài sản đối với các sản phẩm, bất động sản; quyền tài sản đối với phát minh, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Ở đây, vấn đề của chúng ta không phải là có hay không quyền tự do, mà chính là có hay không năng lực tổ chức và vận hành thị trường.

Về cơ bản các thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động đang được tổ chức và vận hành tương đối ổn. Rất tiếc, đó chưa phải là điều chúng ta có thể nói về thị trường khoa học-công nghệ. Tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế và vận hành thị trường này phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ngoài ra, thị trường không phải bao giờ cũng vận hành hiệu quả. Cho dù không mong muốn, nhưng những thất bại của thị trường vẫn thường xuyên xảy ra. Năng lực can thiệp kịp thời khi thị trường thất bại là rất quan trọng. Quốc hội cần tổ chức kịp thời các phiên điều trần để làm rõ vấn đề và định hướng các phản ứng chính sách cho Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Thứ ba là cạnh tranh. Cạnh tranh là cơ chế thúc đẩy chất lượng và hiệu quả. Nó gần như một cơ chế chọn lọc tự nhiên để những “cá thể” khỏe mạnh hơn sẽ chiến thắng. Nhờ cơ chế này kinh tế sẽ liên tục phát triển theo hướng đi lên.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta ở đây là chủ nghĩa thân hữu. Thắng nhờ quan hệ chứ không phải nhờ có sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn chỉ có thể làm cho nền kinh tế phải đi thụt lùi. Quốc hội cần có những phản ứng lập pháp kịp thời để chống lại chủ nghĩa thân hữu và lợi ích nhóm nhằm bảo đảm một cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường giám sát để bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh chống lại hàng nhái, hàng giả. Các khuôn khổ pháp luật cho cuộc đấu tranh này có vẻ không thiếu. Cái thiếu là năng lực và sự liêm chính của đội ngũ đảm nhận thực thi pháp luật ở đây. Cạnh tranh thì phải lành mạnh, bằng không những kẻ xấu xa hơn lại có thể giành phần thắng.

Thư tư là phân công lao động. Quy luật của kinh tế là chuyên môn hóa càng cao thì chất lượng và hiệu quả càng cao. Trong quá trình toàn cầu hóa, phân công lao động đang diễn ra không chỉ trong phạm vi từng quốc gia, mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

“Một nghề cho chín hơn chín mười nghề” là sự anh minh được cha ông chúng ta đúc kết tự ngàn xưa. Tự do lựa chọn ngành nghề trên cơ sở năng lực của từng cá nhân là rất quan trọng ở đây. Hiện nay, một phần trong lực lượng lao động trẻ được đào tạo cơ bản là khá năng động. Lực lượng này luôn có ý thức lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn của mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một lực lượng không nhỏ các bạn trẻ chỉ thích được làm việc cho Nhà nước, cho dù công việc có không phù hợp đến đâu. Đây quả thực là một sự lãng phí về nhân lực. Tổ chức thi tuyển quốc gia để lựa chọn nhân lực công là một giải pháp quan trọng ở đây. Trong nhiệm kỳ thứ XV này, Quốc hội cần tạo ra khuôn khổ thể chế cho công việc này và giảm sát Chính phủ sớm thực thi trong cuộc sống.

Thứ năm là hợp tác. Hợp tác giúp kết hợp kiến thức, kết hợp kỹ năng và kết hợp nguồn lực. Với một sự kết hợp như vậy sức mạnh kinh tế sẽ được nhân lên gấp bội. Người Việt chúng ta hợp tác trong chiến đấu rất tốt, nhưng hợp tác trong làm ăn có vẻ khó khăn hơn. Quốc hội cần đề ra một chiến lược giáo dục và truyền thông hiệu quả để phát triển phẩm chất và năng lực hợp tác của người Việt. Quốc hội cũng có thể có các chính sách khuyến khích sự hợp tác. Ví dụ, càng hợp tác được với nhiều đối tác thì một số các loại thuế, phí có thể càng giảm.

Cuối cùng, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là định hướng về sự công bằng. Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng, nhưng triết lý của chủ nghĩa xã hội là kẻ yếu phải có cơ hội.

Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội cần phải có năng lực tái phân phối thu nhập. Không thể có công bằng xã hội, nếu chênh lệnh về thu nhập là quá lớn như hiện nay. Quan trọng nhất ở đây là phải tìm ra giới hạn của sự tái phân phối này. Giới hạn đó chính là giới hạn của rủi ro triệt tiêu động lực làm kinh tế. Hay dễ cảm nhận hơn, thì cần trả lời câu hỏi sau đây để xác lập giới hạn của việc tái phân phối thu nhập: “Trong văn hóa của người Việt, Nhà nước có thể đánh thuế thu nhập đến mức bao nhiêu, thì động lực sản xuất-kinh doanh vẫn không bị triệt tiêu?”.

Ngoài ra, để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thì công bằng về cơ hội là đòi hỏi quan trọng nhất. Trên đất nước Việt Nam, cơ hội phải được mở ra công bằng cho tất cả mọi người dân. Tất nhiên, cơ hội là một chuyện, nhưng năng lực tận dụng cơ hội là một chuyện khác. Cơ hội được mở ra công bằng cho mọi người, nhưng những người năng lực thấp hoặc không có năng lực vẫn có thể không tận dụng được. Vấn đề đặt ra là Quốc hội cần phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế để nâng cao năng lực của mỗi người dân đất Việt và hiện thực hóa ước mơ về sự bình đẳng ở đây.

Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế là một công việc hết sức to lớn, phức tạp, nhưng cũng hết sức quan trọng. Nhanh chóng nhận biết các vấn đề đang được đặt ra ở đây để tìm cách giải quyết là một trong những sứ mệnh hàng đầu của Quốc hội khóa XV.

Tin mới lên