Tài chính quốc tế

Quỹ đầu tư Mỹ và chuyện kiếm lời 1.200% trên nợ của Argentina

(VNF) - Mới đây, chiến thắng của các quỹ đầu tư Mỹ trên nợ Argentina đã gây chú ý trên toàn thế giới. Trong đó, có quỹ lời 1.200% từ thương vụ này.

Quỹ đầu tư Mỹ và chuyện kiếm lời 1.200% trên nợ của Argentina

Những món lời cực lớn 

Đầu tháng 3/2016, Argentina đã chấm dứt 15 ròng rã chật vật với nợ khi đồng ý chi trả tổng cộng 4,65 tỷ USD và nhiều quỹ đầu tư Mỹ có chiến thắng cộng hưởng trong cuộc chiến 15 năm với nợ Argentina.

Quỹ đầu tư Bracebridge Capital ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ) sẽ có 950 triệu USD từ khoản tiền gốc ban đầu là 120 triệu USD, kiếm lời 800%.

Theo tính toán, tỉ phú Paul Singer và quỹ đầu tư NML Capital nhận về 2,28 tỷ USD cả gốc lẫn lãi. Đây là con số cực lớn, lời đến 370% nếu xét tới khoản tiền ban đầu mà NML bỏ ra là 617 triệu USD. Các con số trên có nguồn từ những điều khoản trong thỏa thuận và hồ sơ tòa án được Thứ trưởng Tài chính Argentina Santiago Bausili đệ trình.

Tỉ phú Paul Singer.

Giải quyết tranh chấp nợ cũng là một chiến thắng lớn dành cho Argentina vì nước này giờ đây có thể quay lại thị trường vốn nước ngoài sau khi bị đứng ngoài vì vỡ nợ 95 tỷ USD hồi năm 2001. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kinh tế của Argentina.

Song các cuộc đàm phán đã diễn ra khó khăn và kiểu kiếm lời cao ngất kể trên khiến dân Mỹ Latinh bất bình với các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư này được gọi là các "quỹ kền kền". Chiến lược của những chú "kền kền" đầu tư này khá đơn giản: chờ đợi một đất nước đang phát triển vỡ nợ, nhảy vào và mua nợ của họ với giá rất rẻ, sau đó đi kiện quốc gia đó để đòi được thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi bằng cách sử dụng nhiều chiến thuật, trong đó có vận động hành lang để gây áp lực.

"Trong khi giờ đây Argentina đã có thể quay lại thị trường vốn quốc tế, vụ giải quyết vừa rồi cho thấy một mô hình kinh doanh ăn thịt và bóc lột", Giám đốc điều hành Eric LeCompte của hãng Jubilee USA chuyên vận động hành lang để cải cách tài chính các nước đang phát triển nói.

Người đân Argentina đốt cờ Mỹ giữa cuộc khủng hoảng nợ.

Một nhóm nhỏ các quỹ kền kền Phố Wall khét tiếng đã và đang tận dụng cuộc khủng hoảng của nhiều nước để tạo cơ hội kinh doanh đặc biệt. Trong 20 năm qua, những doanh nghiệp này thu về hàng tỷ USD bằng cách cắt xén hoạt động trật tự của thị trường tài chính thế giới.

Câu chuyện của Argentina khởi đầu từ khi nước này vỡ nợ năm 2001 giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội tệ nhất trong lịch sử. Sau vụ việc, một nhóm các quỹ đầu tư bao gồm NML Capital (công ty con của Elliot Management), Aurelius Capital Management, Dart Management, Blue Angel Capital, Bracebridge Capital, Olifant Fund và Montreux Partners mua trái phiếu vỡ nợ của Argentina trên thị trường thứ cấp với giá rẻ.

Các quỹ này kế đến khởi khiện tại tòa án New York, đòi Argentina phải trả đủ gốc, lãi được đề cập trong các điều khoản hợp đồng ban đầu. Vì rủi ro vỡ nợ lớn, mức lãi suất khá cao, hầu hết là khoảng 10%/năm. Lãi suất của loại trái phiếu FRAN sau khi được liên kết với nguy cơ vỡ nợ của Argentina tăng vọt lên 101%/năm.

Và rồi phe kền kền chiến thắng. Năm 2012, Thẩm phán T. Griesa phán quyết có lợi cho các công ty Phố Wall. Tháng 4 năm nay, Argentina giải quyết ổn thỏa vụ việc. Hãng NML Capital, đương sự hàng đầu, kiếm được 2 tỷ USD, tức lời 1.200%. Những chú kền kền khác cũng bỏ túi lợi nhuận kha khá.

"Kền kền" phá trật tự hệ thống tài chính quốc tế

Martin Guzman - nghiên cứu sinh tại Trường Kinh doanh Đại học Columbia kiêm hội viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, người nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế tiền tệ và tăng trưởng kinh tế - mới đây có bài viết nhận định về vụ việc.

Ông Guzman cho rằng gọi các quỹ đầu tư như NML Capital là "kền kền" là không công bằng với loài chim này. Kền kền trong tự nhiên ít nhất cũng đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái, trong khi kền kền Phố Wall thì lại khác, họ không đóng vai trò tích cực nào cho hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế. Thay vào đó, họ phá hoại nó, cản trở việc hoàn tất của tiến trình tái cơ cấu nợ vốn cần thiết cho nền kinh tế đất nước đang chìm trong áp lực.

Chiến thuật được sử dụng trong vụ nợ chính phủ Argentina không mới. Trường hợp của quốc gia Nam Mỹ chỉ đơn giản là lớn hơn. Càng ngạc nhiên hơn, những gì các chú kền kền Mỹ vừa làm là hợp pháp, và chính họ cũng góp phần vào việc định hình hoạt động này vào pháp luật.

Không chỉ có hại cho một nước cụ thể, các quỹ đầu tư kền kền cũng đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Để cải thiện hoạt động toàn cầu hóa, cấu trúc tài chính quốc tế cần quy định mới.

Năm 2014, Liên Hiệp Quốc (UN) dẫn đầu trong việc thúc đẩy cải cách, nhưng Mỹ và Anh - hai khu vực pháp lý cho vay lớn nhất - không hỗ trợ tiến trình này. Chuyên gia Martin Guzman cho rằng đây là lúc các quốc gia tiên tiến cùng nỗ lực với các nước ít phát triển hơn, nghiêm túc suy nghĩ về các nguyên tắc làm việc hợp lý cho tất cả mọi người, không chỉ cho riêng nhóm kền kền, để bảo vệ sức khỏe nền tài chính thế giới.

Tin mới lên