Học thuật

Quy luật Okun là gì? Tính không hoàn hảo của quy luật Okun

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Quy luật Okun (Okun's law) là gì? Tính không hoàn hảo của quy luật Okun.

Quy luật Okun là gì? Tính không hoàn hảo của quy luật Okun

Quy luật Okun thể hiện mối quan hệ thống kê đáng tin cậy giữa tỷ lệ thất nghiệp và những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc dân thực hiện do Arthur Okun phát hiện ra

Quy luật Okun là gì?

Quy luật Okun (Okun 's law) thể hiện mối quan hệ thống kê đáng tin cậy giữa tỷ lệ thất nghiệp và những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc dân thực hiện do Arthur Okun (1929 - 1979) phát hiện ra. Theo Okun, nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm 1% thì sản lượng thực hiện sẽ tăng khoảng 2%.

Tính không hoàn hảo của quy luật Okun

Định luật Okun, thường được xem là một dạng "Quy luật ngón tay cái" bởi vì nó là ước lượng xấp xỉ được rút ra từ quan sát thực nghiệm thay vì từ lý thuyết. Gọi là xấp xỉ vì còn có những yếu tố khác (như năng suất) ảnh hưởng đến kết quả. Trong bản báo cáo gốc của Okun phát biểu rằng 2% gia tăng trong sản lượng sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp chu kỳ giảm 1%, số người tham gia lực lượng lao động tăng 0.5%, số giờ làm việc của mỗi lao động tăng 0.5%; và sản lượng trong mỗi giờ làm việc (năng suất lao động) tăng 1%.

Mối quan hệ được kiểm định bằng cách hồi quy tốc độ tăng trưởng GDP hoặc GNP theo mức thay đổi của tỷ lệ thất nghiệp. Tại Mỹ, mức sụt giảm sản lượng dường như có xu hướng giảm bớt theo thời gian. Theo Andrew Abel và Ben Bernanke, với khung thời gian nghiên cứu gần hơn đã ước lượng sản lượng giảm khoảng 2% tương ứng với mỗi 1% tăng của thất nghiệp (Abel & Bernanke, 2005).

Có một số nguyên nhân giải thích tại sao GDP có thể tăng/giảm nhanh hơn tương ứng mức giảm/ tăng của tỷ lệ thất nghiệp như sau:

Khi thất nghiệp tăng:

- Hiệu ứng số nhân tiền tệ giảm do người lao động có xu hướng giảm bớt chi tiêu 

- Một lượng người thất nghiệp từ bỏ tìm kiếm việc làm, và không được tính vào lực lượng lao động. Không được thống kê là thất nghiệp. 

- Công nhân có thể làm việc ít giờ hơn.

- Năng suất lao động có thể giảm, có lẽ bởi vì chủ lao động duy trì số công nhân nhiều hơn mức cần thiết.

- Một hàm ý từ các phân tích trên đó là sự gia tăng năng suất lao động hoặc sự mở rộng quy mô lực lượng lao động có thể dẫn đến tăng trưởng sản lượng ròng nhưng tỷ lệ thất nghiệp ròng không giảm (hiện tượng "jobless growth"). 

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên