Thị trường

Quy tắc xuất xứ trong TPP: "Cái khó ló cái khôn"

(VNF) - Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng doanh nghiệp nào vượt qua được các tiêu chuẩn trong TPP sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định này.

Quy tắc xuất xứ trong TPP: "Cái khó ló cái khôn"

Ngày 2/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo "Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam", trong đó cho rằng Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới.

Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế của WB cho rằng TPP "bao trùm nhiều hơn các vấn đề thương mại và có thể là mô hình quản trị thương mại toàn cầu thế kỷ 21".

"TPP không chỉ xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy sự tiếp cận thị trường sang các thị trường lớn mà còn ảnh hưởng rõ ràng tới các quy định về chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công và tự do hóa dịch vụ gồm các dịch vụ tài chính, viễn thông", ông Đức nói.

Theo chuyên gia của WB, do Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu cho các ngành chính, quy định chặt chẽ về xuất xứ của TPP có thể sẽ hạn chế Việt Nam trong việc tối đa hóa các lợi ích của TPP, ít nhất trong ngắn hạn.

Các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam hiện nay sử dụng hầu hết tơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Khoảng 60% - 90% vải được nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc và Đài Loan; do đó một phần lớn lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay sẽ không đáp ứng được các quy định xuất xứ của TPP.

WB cho rằng, trước mắt đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam song quy tắc xuất xứ cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp và phát triển mạnh hơn chuỗi giá trị trong nước. Quá trình tái cơ cấu ngành dệt may theo hướng liên kết ngược sẽ kích thích các doanh nghiệp nội địa, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tuy nhiên, WB cũng cho rằng sự gia tăng FDI trong các ngành công nghiệp đầu nguồn và phụ trợ sẽ có thể dẫn đến tăng chi phí. Chẳng hạn, FDI trong sản xuất sợi và dệt may, nhất là công đoạn nhuộm và hoàn thiện vải có thể có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới môi trường. Trong khi đó, TPP thúc đẩy bảo vệ môi trường ở mức độ cao và giải quyết các thách thức về môi trường thông qua các kỷ luật thương mại.

Nhìn chung, theo đánh giá của các chuyên gia, TPP được kỳ vọng sẽ khuyến khích tái cấu trúc chuỗi cung ứng và lồng ghép vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thúc đẩy cải cách các thể chế, chuẩn hóa các quy định. "Chúng tôi cảm thấy tự tin rằng doanh nghiệp nào vượt qua được các tiêu chuẩn trong TPP sẽ được hưởng lợi rất nhiều", ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng, Trưởng nhóm báo cáo của WB cũng nhận định rằng, việc đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh là rất khả quan, tuy nhiên, Việt Nam cần tạo ra môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Hiện tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn được ưu ái hơn doanh nghiệp tư nhân, nhất là ở lĩnh vực phân bổ đất đai, doanh nghiệp tư nhân nhiều thiệt thòi. Do vậy, cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh, như vậy doanh nghiệp tư nhân trong nước mới phát huy hết tiềm năng của mình", ông Sandeep Mahaian nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Đức cũng nhận định khả năng hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam là khả quan. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ cần nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó tỷ lệ khối doanh nghiệp này chiếm đến 90%. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam đang thiếu doanh nghiệp ở khúc giữa, tức là các doanh nghiệp đủ sức tạo ra sự gắn kết để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm.

"Muốn nâng cao khả năng hội nhập của doanh nghiệp với TPP, cần nhất là tạo ra môi trường bình đẳng để tiếp cận vốn, phổ biến thông tin để doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt được cơ hội", ông Đức nhấn mạnh.

Tin mới lên