Học thuật

Quỹ Tiền tệ Quốc tế là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary fund - IMF) là gì?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế là gì?

Qũy Tiền tệ Quốc tế (International Monetary fund - IMF) là định chế tài chính đa quốc gia được thành lập vào năm 1947 sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary fund - IMF) là định chế tài chính đa quốc gia được thành lập vào năm 1947 sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là giám sát sự vận hành của hệ thống tiền tệ quốc tế mới với cái tên là Hệ thống neo có điều chỉnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tìm ra cách duy trì sự hợp tác và những thỏa thuận về tiền tệ giữa các nước thành viên nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại quốc tế và cân bằng cán cân thanh toán.

Có hai quan điểm khác nhau về sự hợp tác tiền tệ quốc tế. Một quan điểm cho rằng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt (hay thả nổi) là nguyên nhân dẫn tới những biến động quá mạnh trong tỷ giá hối đoái, gây khó khăn cho công ty quản lý vĩ mô trong nước. Theo quan điểm này, các thỏa thuận hợp tác quốc tế có ý nghĩa cơ bản đối với việc ổn định tỷ giá hối đoái. Quan điểm khác nhấn mạnh rằng sự ổn định tiền tệ trong nước cần được ưu tiên hàng đầu. Cơ quan hữu trách về tiền tệ ở các nước công nghiệp lớn cần theo đuổi những chính sách góp phần ổn định giá cả. Nếu thực hiện được điều này, tỷ giá hối đoái sẽ dự báo được và sự hợp tác kinh tế được thúc đẩy.

IMF hoạt động trên hai lĩnh vực chủ yếu:

a) Tỷ giá hối đoái. Cho đến năm 1971, các nước đã thực thi chế độ tỷ giá hối đoái cố định cho đồng tiền của mình nhằm tạo ra cơ sở ổn định các giao dịch thương mại. Sau khi được IMF phê chuẩn, các nước có thể thay đổi tỷ giá hối đoái của mình. Nó có thể điều chỉnh tỷ giá lên ( chính sách tăng giá đồng tiền) hoặc xuống (chính sách phá giá đồng tiền) tới tỷ giá cố định mới để xử lý các trường hợp mất cân bằng cơ bản trong cán cân thanh toán - tức tình huống gây ra tình trạng thặng dư hay thâm hụt kinh niên. Từ năm 1971, hầu hết các đồng tiền lớn trên thế giới đều được thả nổi. Nguyên nhân ở đây là IMF đã mất quyền kiểm soát chính thức đối với sự biến động tỷ giá hối đoái, nhưng các nước thành viên phải tuân thủ quy tắc về hành vi phù hợp mà IMF đặt ra nhằm tránh một số thủ đoạn kiểm soát hối đoái và làm hại nước láng giềng.

b) Phương tiện thanh toán quốc tế. Nguồn lực của IMF bao gồm dự trữ các đồng tiền quốc gia và tài sản dự trữ quốc tế, không kể số vàng mà các nước thành viên phải nộp theo hạn mức quy định cho mỗi nước. Mỗi nước thành viên phải nộp 75% hạn mức bằng đồng tiền của mình và 25% bằng tài sản dự trữ quốc tế. Các nước thành viên cũng được quyền vay hay quyền rút vốn đối với IMF. Các nước có thể sử dụng quyền rút vốn và dự trữ quốc tế của bản thân họ để tài trợ cho các khoản thâm hụt các cân thanh toán.

Trong cơ chế quyền rút vốn thông thường của IMF, các nước thành viên gặp khó khăn về cán cân thanh toán có thể rút vốn, tức mua đồng tiền nước ngoài của IMF bằng đồng tiền của nước mình trong giới hạn bằng 125% hạn mức của mình, trong đó các nước có thể rút 25% đầu tiên bất kì khi nào có nhu cầu. Khi muốn rút một hay cả bốn phần 25% còn lại, các nước phải nhất trí với IMF về một chương trình bao gồm các biện pháp xử lý thâm hụt cán cân thanh toán của mình. Các nước thành viên phải hoàn trả lại phần rút vốn của mình trong khoảng thời gian từ 3 -5 năm. Đến năm 1970, IMF đã tạo ra một tài sản dữ trữ quốc tế mới là Quyền Rút vốn Đặc biệt (viết tắt SDR) để tăng thêm mức cung về phương tiện thanh toán quốc tế. Nó cũng tạo ra những phương tiện vay nợ bổ sung cho các nước thành viên nghèo.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên