Tài chính quốc tế

Quyết tâm ‘cắt huyết mạch’ kinh tế Nga, Mỹ vẫn nhập khẩu 100.000 thùng dầu mỗi ngày

(VNF) - Lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Nga không những giảm mà tăng 43% lên 100.000 thùng mỗi ngày trong tuần qua dù Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng 3 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và than từ Nga.

Quyết tâm ‘cắt huyết mạch’ kinh tế Nga, Mỹ vẫn nhập khẩu 100.000 thùng dầu mỗi ngày

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Mikhail Popov ngày 3/4 cho biết dù Mỹ buộc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhưng vẫn tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Ngoài ra, Mỹ còn cho phép các công ty của nước này nhập các mặt hàng phân bón, khoáng sản từ Nga, công nhận đây là mặt hàng thiết yếu.

Theo các nhà quan sát, các công ty Mỹ đang tranh thủ tích trữ nguồn dầu thô từ Nga trước khi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden chính thức có hiệu lực.

Nga là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đóng góp khoảng 10% dầu cho thị trường toàn cầu và xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Do vậy, các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga đã gây nên các gián đoạn về nguồn cung và đẩy giá dầu tăng cao trên khắp thế giới.

Trước đó, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 8/3, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ nhắm trực diện vào huyết mạch của nền kinh tế Nga, cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga.

“Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không được chấp nhận tại các cảng của Mỹ", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Sắc lệnh mới đồng thời cấm người dân Mỹ tài trợ hoặc tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đầu tư nhằm sản xuất năng lượng ở Nga.

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thời hạn hoàn thành các giao dịch nhập khẩu dầu, các sản phẩm dầu, khí hóa lỏng và than từ Nga vào nước này đến ngày 22/4.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng đã làm việc với các đồng minh ở châu Âu, những người phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, để cô lập nền kinh tế của Moscow.

Mỹ đã chịu tác động mạnh từ giá dầu tăng làm ảnh hưởng tới việc sản xuất trong nước và tạo ra thêm thách thức cho ông Biden.

Chính quyền Mỹ thời gian gần đây cũng tăng cường gây sức ép với các công ty dầu mỏ trong nước để tăng cường hoạt động khai thác trên các vùng đất của liên bang, những nơi đã phê duyệt giấy phép khoan thăm dò nhưng chưa triển khai.

Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng đang xem xét tạm thời dỡ bỏ các hạn chế đối với việc bán xăng pha có hàm lượng ethanol cao hơn trong mùa hè như một cách để giảm chi phí nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ, theo Reuters.

Xem thêm >> Ấn Độ tuyên bố tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga ‘vì lợi ích quốc gia’

Tin mới lên